Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Phân loại đá thạch anh


        Thạch anh được phân loại dựa theo màu, theo hiệu ứng, độ trong và mức độ kết tinh…
       Thị trường đá quý thường phân chia một đá quý nào đó thành nhiều loại để dễ mua bán. Trường hợp thạch anh cũng thế, thị trường chia nó thành nhiều loại và dùng các tên thương mại để gọi chúng. Thạch anh được phân loại dựa theo màu, theo hiệu ứng, độ trong và mức độ kết tinh…Thạch anh xuất hiện trên thị trường Việt Nam đã lâu, với nhiều loại đá và sản phẩm. Việt Nam có nguồn thạch anh dồi dào, tuy nhiên hầu hết là thạch anh dạng khối đặc sít màu trắng, xám, vàng nhạt và hồng nhạt; dạng tinh thể trong suốt thường có màu ám khói, số ít thì vàng nhạt và tím nhạt... Hoạt động khai thác thạch anh vẫn còn hạn chế và thủ công. Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm chế tác đá quý của Việt Nam. Tại đây, thạch anh thường được chạm trổ thành tượng và mề đay, hạt tròn nhỏ và lớn; loại có màu, trong suốt thì được mài giác. Các đá thạch anh có màu đẹp và hiệu ứng lạ thì đa số là nhập khẩu. Các nhà phân phối nhập đá thạch anh mài giác hoặc đá thô để chế tác, thường là các loại thạch anh tím, vàng, lục, mắt cọp, sao…
Thạch Anh vàng
        Có nhiều loại thạch anh, nhưng chúng tôi chỉ liệt kê các loại thường gặp ở Việt Nam như sau:

        * Dựa vào màu & độ trong suốt:

         - Thạch anh pha lê (rock crystal): Đá thạch anh trong suốt, không màu, nhìn rất giống như thủy tinh pha lê. Đây là loại thạch anh gần như tinh khiết vì không có nguyên tố tạp chất tạo màu. Các tinh thể có dáng đẹp thì ít được mài giác, mà chủ yếu để bán cho người sưu tập. Thạch anh pha lê vì ánh thủy tinh và không màu nên các viên đá mài giác không được hấp dẫn lắm. Những tinh thể hình dạng xấu thì dùng để chạm khắc, mài giác, hạt tròn, mề đay…

        Nên nhớ, chỉ gọi là thạch anh pha lê khi nào đá trong suốt và không màu, như vậy phần đục màu trắng ở đoạn dưới tinh thể thì không thể gọi tên này. Một tinh thể hay một mẫu đá thô, người ta chỉ chọn phần nào có chất lượng quý (có thể là trong suốt, màu đẹp hoặc có hiệu ứng đặc biệt nào đó…) để định giá trị. Phần xấu thì bỏ đi hoặc sử dụng vào mục đích khác.
       - Thạch anh ám khói (smoky quartz): Đá trong suốt, có màu nâu nhạt đến đậm, nhìn giống như màu ám khói; đôi khi đá có màu đen, chắn sáng. Tinh thể lớn thường dùng làm tượng. Các đá nhỏ được mài hạt tròn. Chỉ một số ít mài giác hay cabochon.

      - Thạch anh tím (amethyst): Đá màu tím phớt xanh đến tím và tím phớt đỏ, trong suốt, có nhiều và được ưa chuộng ở thị trường Việt Nam. Chủ yếu mài giác với đá trong, mài hạt tròn hay cabochon nếu đá có nhiều tạp chất.

      - Thạch anh vàng (citrine): Thạch anh màu vàng đến cam và cam phớt nâu, trong suốt, có nhiều và được ưa chuộng ở thị trường Việt Nam. Chủ yếu mài giác với đá trong, mài hạt tròn hay cabochon nếu đá có nhiều tạp chất.

       - Thạch anh lục (praseolite): Thạch anh màu lục đến lục phớt vàng, trong suốt. Mới thâm nhập thị trường Việt Nam, chưa xuất hiện nhiều. Chủ yếu là đá mài giác.
       - Thạch anh hồng (rose quartz): Màu hồng từ rất nhạt đến vừa, nửa trong suốt đến trong mờ và đục.

       Loại trong hơn được mài dạng cabochon, loại đục mài hạt tròn và chạm khắc. Thạch anh hồng cũng có ở nước ta nhưng loại đẹp không nhiều.

       - Thạch anh sữa (milky quartz): Đá trong mờ đến đục, màu trắng đến xám rất nhạt; đôi khi đá bán trong và có sắc phớt xanh. Đa số được chạm trỗ, mài hạt hoặc cabochon. Loại này có nhiều nhưng ít được ưa thích.

* Dựa vào hiệu ứng:

       - Thạch anh sao (star quartz): Là một loại thạch anh màu phớt hồng, hồng có hiệu ứng sao trên bề mặt mo tròn theo dạng cabochon. Hiệu ứng sao hiếm khi hiện diện ở thạch anh; nếu có thì độ nét sắc sảo của sao ở đá thạch anh không bằng ở nhóm đá corundum (ruby, saphia).   

      - Đá mắt cọp (tiger’s-eye): Đây là loại thạch anh đặc biệt vì kiểu kết tinh của chúng rất độc đáo. Khi kết tinh, thạch anh thay thế khoáng crocidolite (là một loại amphibon) và giữ nguyên hình dạng sợi của khoáng này. Đá mắt cọp từ bán trong đến chắn sáng, dạng sợi vi tinh, phân thành những dãy màu đậm nhạt khác nhau. Đá màu vàng phớt nâu đến nâu và nâu phớt đỏ; một số màu lục đến vàng phớt lục và xanh phớt xám. Đá ngời sáng bề mặt theo từng dãy và sợi và có dáng vẻ giống như mắt cọp. Hiệu ứng mắt cọp luôn có trên bề mặt đá và rất đặc trưng dù đá được mài dạng mặt phẳng.

          Một số thay đổi nhỏ trong cấu trúc và màu sắc, đá này có thể thành đá tên khác như đá mặt cọp vằn (zebra tiger’s-eye), thạch anh mắt mèo (cat’s-eye quartz), đá mắt diều hâu (hawk’s-eye).  

         Đá mắt cọp rất phổ biến ở thị trường Việt Nam. Chúng thường được bán với dạng chuỗi hạt tròn, hạt đa giác phẳng, viên rời mặt hơi dẹt hay cabochon.





0 nhận xét:

Đăng nhận xét