Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Làng Gốm Chu Đậu- Hải Dương

Men theo quốc lộ 5 qua thành phố Hải Dương khoảng 8km rồi rẽ theo quốc lộ 183, đi thêm khoảng 20km nữa là tới thôn Chu Đậu - làng gốm danh tiếng mà sản phẩm làng  nghề từng có mặt khắp nơi trên thế giới, từ Ai Cập đến Trung Cận Đông, từ Đông Nam Á đến Tây Á ...

Hồi sinh sau hơn 500 năm thất truyền.

Chu Đậu là một vùng quê yên ả nằm bên tả ngạn sông Thái Bình thuộc trấn Thương Triệt, huyện Thanh Lâm, Nam Sách châu, nay là làng Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Theo các cụ già của làng kể lại thì xưa kia Chu Đậu là vùng Trần triều Hải khấu (cảng nhà Trần). Chữ Hán Chu là thuyền, Đậu là bến (bến thuyền đỗ). Nơi đây, thuyền bề ra vào tấp nập. Từ Chu Đậu, xuôi sông Thái Bình đến Nấu Khê, sang sông Kinh Thày ra cảng Vân Đồn – một cảng giao lưu với các nước của người Việt xưa.

Theo các nhà nghiên cứu thì Chu Đậu xưa là một trung tâm gốm cao cấp, xuất hiện vào cuối thế kỷ XIV, cực thịnh vào thế kỷ XV – XVI và tàn lụi vào thế kỷ XVII do nhiều nguyên nhân. Nội chiến giữa nhà Lê và nhà Mạc, vùng Nam Sách trong đó có làng gốm Chu Đậu đã bị tàn phá, các nghệ nhân làng gốm phải phiêu bạt đến vùng khác và lập nên các làng nghề gốm mới. Giặc Minh xâm lược nước ta đã bắt đi nhiều nghệ nhân giỏi, một số khác di cư sang Nhật, Triều Tiên hoặc đi tìm đường làm ăn ở các làng gốm trong nước như nghệ nhân Vương Quốc Doanh đã dẫn cả một đoàn thợ lên làng gốm Bát Tràng, góp phần làm cho gốm Bát Tràng hưng thịnh như ngày nay… Một nguyên nhân nữa là trấn Thương Triệt xưa là vùng chiêm trũng gần sông, dễ bị ngập lụt, khó tránh khỏi ảnh hưởng đến việc sản xuất gốm.



Di sản gốm Chu đậu được khai quật tại Cù lao Chàm.

Nhiều người dân thôn Chu Đậu - xã Thái Tân - Nam Sách - Hải Dương sống trên chính mảnh đất đã sản sinh ra dòng gốm quý nhưng chẳng biết đến nghề. Các nghệ nhân xưa không còn ai, bí quyết làm gốm bị thất truyền.

Cụ Ngân, người coi giữ đình làng Chu Đậu, tâm sự: “Tôi đã bước sang cái tuổi gần đất xa trời rồi cũng đâu biết gốm Chu Đậu thực sự. Nghe đài báo nói về dòng gốm quý của làng mà cứ day dứt tiếc cho một làng nghề đã bị tàn lụi. Bây giờ làm gốm chỉ bằng một phần năm, phần bảy so với trước nhưng dân làng biết yêu và trân trọng nghề. Các cấp chính quyền đầu tư để làng nghề được phục hồi, xứng với công khai sinh ra nghề của các vị tiền nhân đi trước”.

Được sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương, tháng 10-2001, Xí nghiệp gốm Chu Đậu đã ra đời và bắt đầu đi vào hoạt động với tổng số vốn đầu tư giai đoạn một là 24 tỷ đồng. Cơ sở rộng 33.250m2 được xây dựng bên dòng sông cổ chảy qua làng. Ông Nguyễn Hữu Thắng – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO) chia sẻ : “ Gần 200 thanh niên, chủ yếu là người của làng Chu Đậu được tuyển chọn và đào tạo, truyền dạy kỹ thuật cơ bản và bí quyết trong từng công đoạn chế tác, nhằm tạo họ thành những tay thợ đầu đàn trong các lò gốm gia đình trong tương lai. Tiến tới, công ty mời các nghệ nhân đến dạy nghề cho con em địa phương trong những vùng lân cận. “

Bắt đầu từ tháng 5 – 2003 Xí nghiệp gốm Chu Đậu đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên với 8490 sản phẩm trị giá 20.000USD sang thị trường Tây Ban Nha. Thế là sau hơn 500 năm, Chu Đậu lại có hàng xuất sang Tây Ban Nha, nơi nhập chuyến hàng cuối cùng của Chu Đậu vào thế kỷ XVII.


Kết tinh tài nghệ của Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên mà trong nhân gian lại truyền tụng câu nói “Có gốm Chu Đậu trong nhà/ Như là có cả ông bà tổ tiên”. Bởi lẽ gốm Chu Đậu hội tụ đủ các tiêu chuẩn: Trong như ngọc, trắng như ngà, sáng như gương, kêu như chuông và mỏng như giấy. Gốm Chu Đậu có kiểu dáng riêng, có màu men trắng ngà hoa lan và họa tiết màu lam, được các nghệ nhân làm ra từ chất đất đặc biệt của vùng Long Động “Lục thủy, tứ linh”. Lục thủy là nước Lục đầu giang, tứ linh là: Long, ly, qui, phượng . Chỉ với tro trấu, vôi, đất, cao lanh mà các nghệ nhân xưa đã làm nên một thứ men cao cấp kỳ lạ : men lam, men ngà, men ngọc... và thổi vào tác phẩm hình ảnh thiên nhiên sinh động và cuộc sống của cư dân vùng châu thổ sông Hồng.

Hai trong số hàng chục loại gốm Chu Đậu gây ấn tượng, trở thành sản phẩm nổi tiếng, được ưa chuộng nhất với người sành đồ cổ là Bình gốm Hoa Lam (còn gọi là bình củ tỏi) và Bình Tỳ Bà. Theo triết học phương Đông, bình củ tỏi mang tính dương, là trời, là cha, là trụ cột. Miệng bình có hình dáng thẳng đứng, biểu hiện sự thẳng thắn, cương trực, vững chãi. Thân bình là sự kết hợp tuyệt vời giữa họa tiết hoa cúc đại đóa - biểu tượng cho sự thanh cao, xen kẽ với dây hoa mềm mại. Bình Tý bà mang hình dáng cây đàn tỳ bà, tượng trưng cho phái âm, đất, mẹ, hiện thân của người phụ nữ Việt Nam trẻ trung, duyên dáng. Hai chiếc bình này còn gọi là bình âm dương, chính là tượng trưng cho bình cha, bình mẹ, tượng trưng cho nền nếp của một gia đình hạnh phúc...


Hai bình gốm đặc trưng của gốm Chu Đậu (bình Hoa Lam tượng trưng cho người cha, bình Tỳ Bà tượng trưng cho người mẹ).

Gốm Chu Đậu ngày nay kế thừa những tinh hoa văn hóa do cha ông để lại, sản xuất theo những dây chuyền hợp lý với kỹ thuật phục nguyên nhiều gam màu cổ, kết hợp với những kiểu dáng, màu men mới, hoa văn, họa tiết phù hợp với thẩm mỹ đương đại, đáp ứng thị hiếu khách hàng.


Niềm tự hào mang tên Gốm Chu Đậu

Sau nhiều thế kỷ bị lãng quên, năm 2001, thương hiệu gốm Chu Đậu đã bừng sáng qua lớp phủ của thời gian  Những hoa văn khắc, vạch nổi chìm, vẽ công bút, phóng bút và thần bút phóng khoáng ngày xưa cũng được chuyển tải vào những sản phẩm mới... Trong phiên đấu giá đầu tiên tại Mỹ, chiếc bình gốm Tỳ Bà cổ Chu Đậu, đã được bán với giá 521.00USD. Một bình “Hoa lan” cổ Chu Đậu tại Thổ Nhĩ Kỹ được mua bảo hiểm hàng triệu USD. Đặc biệt, hiện nay trống đồng Ngọc Lũ và bình Rồng Chu Đậu đang là hiện vật quý giá, đại diện của nền văn hóa lâu đời của Việt Nam ở Liên hiệp quốc.

Những người đi thưởng lãm, đặc biệt là du khách nước ngoài, không khỏi trầm trồ trước sự khéo léo của các nghệ nhân, những bàn tay vuốt gốm điệu nghệ tạo ra những khuôn hình độc đáo với bình hoa lam, bình tỳ bà, độc bình, các loại hũ, đồ thờ, các loại chậu, con giống, lọ hoa… một cách tài tình như thu gọn cả thế giới thiên nhiên rộng lớn.

Khi được hỏi : “ Ông có so sánh thế nào về gốm Chu Đậu của mình với các nơi, như gốm Minh Long ở Bình Dương trong miền Nam chẳng hạn ? ” , Ông Nguyễn Văn Lưu – Nguyên giám đốc công ty CP gốm Chu đậu , nở nụ cười tự hào và nói : “ Minh Long là gốm dân dụng, để dùng trong sinh hoạt hàng ngày... gốm Chu Đậu của chúng tôi là để... ăn chơi!”. Nói rồi ông liền với tay lên một giá chất đầy bình gốm có nước men màu nâu đỏ giải thích: “Cái bình hoa có hình người da đỏ đội mũ lông chim này, khách hàng phương Tây mê lắm. Độc đáo nhất là màu nâu đỏ trên bình là do đất tự tiết men chứ không phải tráng men như ở Minh Long!  Đó mới là điều kỳ diệu, đất sét sông Lục Đầu quê hương tôi cả ngàn năm đã tạo ra được điều kỳ diệu đó. Không ở đâu có thứ đất sét tự tiết ra men như thế...”


Ông Nguyễn Văn Lưu – Nguyên GĐ Công ty CP Gốm Chu Đậu

Có lẽ vì thế mà các nhà nghiên cứu mới đúc kết quy trình sản xuất ra gốm Chu Đậu mang đầy tính tâm linh: đất tạo nên xương cốt, nước tạo ra hình hài, lửa tạo ra thần thái!

Con cháu làng Chu Đậu hôm nay đang đua nhau học nghề để trở thành những thợ gốm giỏi. Đến tham quan làng gốm Chu Đậu, các di tích, di chỉ khảo cổ học ngoài trời, nhà thờ tổ nghề... tạo ra một quần thể du lịch làng nghề thú vị đã gây ấn tượng mạnh cho du khách. Chỉ vài năm nữa thôi, nếu không có điều kiện về tận nơi phát tích làng nghề ở Hải Dương xa xôi để thăm thú, thì bạn cũng sẽ được nhìn ngắm những sản phẩm gốm Chu Đậu trong phòng trưng bày Bảo tàng Quảng Nam và Bảo tàng Hội An - sau khi xây dựng hoàn tất...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét