Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Nghề làm gốm truyền thống của người Chăm ở Bàu Trúc – Ninh Thuận

Bàu Trúc hay còn được gọi là thôn Vĩnh Thuận, địa danh Chăm là Paley Hamu Trok có nghĩa là làng trũng, nhô ra ở phần cuối triền sông.

Bàu Trúc nằm cạnh quốc lộ 1A, cách thị xã Phan Rang 9km về phía Nam. Bầu Trúc nằm ở vùng bán sơn địa, cuối vùng đồng bằng Phan Rang, cách chân núi khoảng 5km và cũng cách bờ biển khoảng 5km theo đường chim bay. Nằm trong khu vực lòng chảo được phù sa bồi tụ hàng năm. Bên cạnh đó các dòng phù sa bồi tụ lâu năm tạo thành các lớp sâu ở triền sông lớn và ở những nơi này đã hình thành mỏ đất sét mịn màng có độ dẻo cao mà không ở nơi nào trong vùng có được.

 Gốm Bàu Trúc có ba cái lạ và một điều đặc biệt. Lạ vì gốm được làm hoàn toàn bằng tay, các dụng cụ tạo hình thô sơ, thợ làm gốm đều là phụ nữ. Điều đặc biệt là gốm của nơi này nổi tiếng đẹp, bền, dẻo nhờ loại đất sép lấy ở sông Quao. Loại đất sét này khi cho ra thành phẩm luôn lên màu đẹp, bề mặt láng mịn. Nước hay thức ăn để trong đó lâu hư và luôn mát hơn nhiệt độ bên ngoài.
Theo truyền thuyết, nghề làm gốm do vợ chồng ông tổ Poklong Chanh dạy cho phụ nữ Chăm từ thời xa xưa. Điều đó cũng giải thích tại sao làm gốm vất vả nhưng khi bước chân vào làng, du khách bắt gặp hình ảnh những người thợ nữ trộn, nhào đất, tạo hình, trang trí hoa văn... còn đàn ông chỉ tham gia vào những công đoạn như đập tơi đất, nung gốm. Sự phân biệt và đặc trưng “chỉ có phụ nữ mới được làm gốm” còn thể hiện rõ nét ở điểm nếu du khách hỏi giá một sản phẩm tại đây thì một em bé mới biết nói có thể báo giá, nhưng một cụ ông tóc bạc phơ thì không. Hay những em gái từ 5 tuổi đã học làm gốm, trước lúc cưới phải thông thạo tất cả kỹ thuật tạo hình, còn các bé trai thì ngược lại.
Khám phá làng gốm Bàu Trúc
Khám phá làng gốm Bàu Trúc
Sau những bước chân xoay tròn của người thợ làm gốm, chiếc bình bằng đất hiện ra tròn vành và rõ nét.
Các thợ gốm tạo hình cho sản phẩm của mình nhờ bàn tay khéo léo và những bước chân quanh cột đá tròn làm trụ, chứ không dựa vào bàn xoay. Từ những bước chân này, khối đất sét mềm mịn ban đầu, dần uyển chuyển thành hình một khối rỗng tròn trịa, rồi thành hình thành lọ hoa, bình nước. Thoạt nhìn thì khá dễ, nên vài du khách tò mò tỏ ý muốn đi thử, song chỉ được vài vòng đã cảm thấy hoa mắt, chóng mặt. Lúc đó mới cảm nhận được câu “làm bằng tay, xoay bằng đít” không phải là cách nói ẩn dụ.
Sau khi được tạo hình xong, sản phẩm được chuyển tiếp cho người thợ đảm nhiệm vai trò trang trí hoa văn. Khác với những nơi khác, hoa văn trên những vật dụng bằng gốm ở nơi đây được tạo hình bằng những dụng cụ đơn giản đến nỗi, ai chưa tận mắt thấy bàn tay thoăn thoắt của người thợ làm gốm tạo những chiếc bánh xe đồ chơi, cây gậy, chiếc lá, vỏ sò, vỏ ốc…trên những chiếc bình, vật dụng bằng gốm... thì sẽ tưởng đó là những thứ đồ chơi hư, cũ của trẻ con chứ không phải là dụng cụ làm gốm. Những vật dụng thô sơ ấy, qua bàn tay tài hoa của những người thợ, những bông hoa, đồi núi, cây cối, sóng biển… dần hiện lên mang những nét đẹp rất riêng, vừa dịu dàng như một cô gái Chăm, vừa mạnh mẽ, sừng sững như những ngọn tháp của vùng đất này.
Khám phá làng gốm Bàu Trúc

Khám phá làng gốm Bàu Trúc
Thợ gốm đang tạo hình cho sản phẩm với những bánh xe đồ chơi, muỗng ăn cơm, vỏ sò...
Sau công đoạn tạo hình, gốm được đem phơi nắng và đốt lộ thiên (chất rơm củi xung quanh sản phẩm). Không chỉ trau chuốt khi tạo hình, khi đã vào lò, gốm còn được chăm chút từng nét màu (màu được chiết xuất từ trái dông, trái thị trên rừng). Sau khi nung khoảng vài giờ, gốm được lấy ra, phun màu, rồi tiếp tục cho vào nung tiếp. Kết quả của việc tạo màu là gốm sẽ có những màu đặc trưng như vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, nâu....
Người yêu thích gốm Chăm thì thấy được nét đẹp của văn hóa Chămpa trong từng sản phẩm. Người đã quen với những sản phẩm bóng loáng, mịn màng đến từng milimet của các loại gốm khác lại không thích những vệt cháy đen, xám xịt. Nhưng cái đẹp của gốm Chăm không vì thế mà mai một. Điều đó có thể thấy qua số lượng gốm du khách mua về làm quà hay sự xuất hiện của nó ở những khu resort, khách sạn lớn trải dài từ Bắc vào Nam.
Khám phá làng gốm Bàu TrúcK
Khoảng trống dùng để phơi gốm cũng được dùng như một lò nung lộ thiên.
Sản phẩm chính:
Quy trình chế tác gốm ở Bầu Trúc


Khai thác nguyên liệu đất sét
Đầu tiên người thợ gốm chọn khu ruộng khô ráo, trên bề mặt ruộng đất khô, nứt nhiều thành hình lưới nhện. Sau khi chọn nơi có mỏ đất sét tốt và dọn mặt bằng, người thợ gốm dùng len đào một lỗ sâu khoảng 50cm, đường kính 40cm. Sau đó đứng xuống hố dùng cuốc hoặc xà beng đào theo đường nứt của đất. Đất được cuốc thường ngã ra từng lọn hơi tròn, dài khoảng 60 – 80cm, đường kính khoảng 20 – 30cm. Lọn đất được chia thành 3 phần:
i. Phần thứ nhất, dày khoảng 10 – 20cm, pha nhiều tạp chất, độ dẻo thấp, phần đất này được bỏ đi
ii. Phần thứ hai, dày khoảng 20 – 40cm, đất màu đen hơi xám, ẩm và có độ kết dính cao. Đây chính là đất phù hợp với yêu cầu của nguyên liệu làm gốm.
iii. Phần thứ 3, phần cuối của lọn đất, đây là lớp bùn đen nên sẽ được tách khỏi phần thứ hai và bỏ đi.
Trong khâu chọn nguyên liệu vai trò của kinh nghiệm và sự thành thạo trong chọn đất là quan trọng nhất.
- Nguyên liệu thứ hai tuy là chất trộn nhưng vô cùng quan trọng, đó chính là cát. Cát thường được lấy ở dưới sông vào mùa khô. Cát được chọn là loại cát nhỏ, mịn màng, cùng kích cỡ như nhau, không được xen lẫn hạt to hạt nhỏ hoặc pha với khoáng vật, sỏi sạn.
* Làm đất
- Ngâm đất: Đất sét được lấy từ kho ra với khối lượng đủ một ngày làm. Đất được đập nhỏ phơi khô trước khi đem vào hố ngâm với nước, khi phơi đất tránh để tạp chất lẫn vào đất. Đất được phơi khô từ sáng đến chiều tối sau đó được ngâm với nước trong một hố đào sẵn sâu khoảng 50cm, đường kính 40cm. Đất được đổ khoảng 2l3 hố, sau đó đổ nước ngọt vào để ngâm, thời gian ngâm khoảng 12 tiếng đồng hồ. Lúc này đất ngấm nước tơi ra, kết dính lại với nhau.
Cách ngâm đất trong hố làm cho việc lấy đất ra khỏi miệng hố rất khó khăn. Nhưng người thợ gốm Bầu Trúc chỉ có duy nhất một cách ngâm trong hố đất mà không ngâm đất trong bất kỳ vật liệu nào. Theo kinh nghiệm của người dân ở đây, họ đã thử ngâm trong các chất liệu khác như nhôm, nhựa, lu đất nung…nhưng đất sét luôn luôn bị hư không đủ độ dẻo để làm gốm
- Trộn nguyên liệu
Nguyên liệu được trộn với đất sét là cát. Là loại cát nhỏ, hạt mịn màng được sàng lọc kỹ càng. Tỷ lệ cát pha vào nguyên liệu phụ thuộc vào kích thước và kiểu dáng của đồ gốm. Thông thường, với sản phẩm có kích thước lớn cao trên 1m thì tỉ lệ là 1:1, nhưng với sản phẩm có kích thước nhỏ dưới 0,5m thì tỉ lệ là 1 đất sét : 2 cát.
- Nhồi đất: Nhồi đất được chia làm hai giai đoạn: Nhồi đất bằng chân và nhồi đất bằng tay
+ Nhồi đất bằng chân (joak lan)
Đầu tiên đất sét được đặt lên trên một lớp cát, sau đó người thợ gốm dùng đôi chân của mình đạp cho đất xòe ra thành mặt phẳng tròn, lớp đất dày khoảng 0,5cm. Sau đó họ dùng tay cuốn đất sét lại thành những lọn dài, tiếp tục rải cát và nước lên trên bề mặt đất sét. Quy trình này lặp đi lặp lại khoảng 7 – 8 lần trong khoảng 1 tiếng đồng hồ cho đến khi đất và cát được trộn đều vào nhau. Sau khi trộn đều, người thợ gốm dùng bàn chân làm dấu kẻ đường, chia mặt phẳng đất thành những ô vuông nhỏ. Từ đường viền của ô vuông họ dùng tay cuộn đất lại thành từng lọn hình trụ tròn, cao khoảng 15cm, đường kính khoảng 10cm rồi đem ủ ở nơi râm mát.
+ Nhồi đất bằng tay (jeh lan)
Đất sau khi nhồi bằng chân được ủ qua đêm được đem ra nhồi một lần nữa bằng tay trước khi tạo hình. Nhồi đất bằng tay tương tự như nhồi bột gạo. Họ dùng tay lăn những lọn đất hình trụ tròn trên một tấm ván bằng phẳng có rải lót một lớp cát mỏng có tác dụng chống dính và tăng lượng cát cho đất. Công đoạn này được thực hiện khoảng 20 lần đến khi đất và cát trộn vào nhau một cách đều đặn. Sau khi đất sét đạt được độ dẻo cần thiết họ lại vo tròn đất thành hình quả bí, chuẩn bị đưa lên hòn kê để tạo dáng gốm.
* Tạo hình
Nhìn chung gốm Bầu Trúc được làm bằng tay nhưng họ cũng có một bộ dụng cụ chuyên dụng để phụ trợ việc tạo hình đồ gốm. Bộ dụng cụ gồm có: Vải cuộn, vòng quơ, vòng cạo, hòn kê, que nhỏ.
- Tạo hình cơ bản: Sau khi đất nguyên liệu được nhồi thành hình quả bí người thợ gốm bắt đầu đặt lên hòn kê. Dùng tay bóp nặn vào khối đất sau đó đi giật lùi chậm rãi xung quanh hòn kê khoảng 10 vòng thì tạo được dáng một đồ gốm cơ bản. Sau khi đã tạo được hình cơ bản, người thợ Bầu Trúc tiếp tục dùng “con trạch” gắn vào miệng gốm và phát triển cho thành gốm cao dần lên, tùy kích thước của đồ gốm cần làm mà số lượng các con trạch được sử dụng khác nhau, mỗi con trạch làm cho đồ gốm cao thêm khoảng 5cm (phương pháp này được sử dụng với những đồ gốm có kích thước lớn, cao hơn 40cm, còn thấp dưới 40cm thì hầu như không cần sử dụng phương pháp này)
Sau khi nối bằng con trạch xong, công đoạn tiếp theo chính là miết láng nhằm mục đích xóa đi dấu vết nối kết làm cho thân gốm nhẵn, bóng hơn. Miết láng bằng tay là khâu đầu tiên trong quá trình miết láng, thợ gốm dùng tay nhúng nước xoa đều xung quanh thân gốm, sau đó dùng ngón trỏ co, kéo vuốt từng phần trải đều trên toàn thân gốm. Sau khi miết láng bằng tay người ta dùng tiếp vòng quơ (Vòng quơ (Ta khoh) là dụng cụ làm bằng cây có thân tròn, nhỏ, dài khoảng 50cm, được uốn cong lại thành hình tròn, đường kính khoảng 20cm) để làm cho gốm phẳng hơn, vòng quơ khắc phục được những chỗ lồi lõm khi miết bằng tay và tạo được độ nhẵn mịn trên thân gốm. Tuy nhiên, vòng quơ chưa thể làm cho thân gốm đạt được độ nhẵn bóng như mong muốn. Để tạo được độ nhẵn như mong muốn người thợ Bầu Trúc còn miết láng bằng vải cuộn (Vải cuộn (panek), công cụ làm từ vải thô, xếp lại thành 3 lớp, dài khoảng 30cm, rộng khoảng 15cm), vải cuộn được thấm một thứ nước có trộn đất sét lỏng quấn vào tay và chà lên xung quanh thân gốm, chà nhiều lần cho đến khi thân gốm nổi lên như một lớp áo có độ bóng loáng thì hoàn thành.
- Tạo hình kiểu miệng gốm.
Gốm Bầu Trúc được phân ra thành các kiểu miệng như miệng loe, hơi loe, miệng đứng, miệng khum, khum thấp…Mỗi kiểu miệng phù hợp với một loại hình gốm.
Cách tạo kiểu miệng gốm Bầu Trúc khá đơn giản, họ chỉ cần dùng đôi tay khéo léo và vải cuộn thấm nước. Đầu tiên họ dùng vải cuộn thấm nước vuốt đều xung quanh miệng gốm. Khi miệng gốm được tiếp xúc với vải cuộn thấm nước thì họ dùng các ngón tay nắn hờ cuộn vải ướt sao cho cuộn vải tiếp xúc đều đặn với miệng gốm, rồi họ bắt đầu quay quanh vòng thân gốm từ 4 – 5 vòng thì tạo thành một kiểu miệng gốm. Trong lúc tạo hình miệng gốm hình dáng có thay đổi nhất định. Thường thì gốm thẳng đứng thân thon lại, hơi thu hẹp. Còn khi bẻ miệng khum do người thợ gốm đè lên miệng gốm nên thân hơi phình ra. Sau cùng người ta dùng vải cuộn thấm nước miết láng toàn thân gốm một lần nữa để làm cho thân gốm đều đặn, tăng thêm độ láng cho thân gốm.
* Trang trí
Sau khi tạo hình kiểu dáng kết thúc, gốm lúc này vẫn nằm trên hòn kê và đang ảm ướt nên dễ dàng trang trí.
Với dụng cụ trang trí là que nhỏ được làm từ thân thực vật nhỏ mềm, dễ uốn lượn. Các đồ án hoa văn được tạo như là hoa văn hình chữ S, hoa văn hình tam giác, những hình đứt đoạn chấm vạch đứt chạy xung quanh vai gốm…Bên cạnh que một răng, người thợ Bầu Trúc còn dùng que nhiều răng, hiện nay họ dùng cả lược chải lên vai gốm những hình sóng nước, những đường vạch hình kỉ hà chạy song song quanh vai gốm.
Người thợ gốm Bầu Trúc còn dùng vỏ sò, hoa tự nhiên (Người thợ Bầu Trúc thường dùng hoa đã nở rộ, khô cứng như loài hoa “Cà dược” (Pa duk cheik), là loại hoa nở rộ bốn mùa, có nhiều ở Bình Thuận) để in, dập lên vai gốm.
Hoa văn móng tay trên gốm Bầu Trúc. Để tạo loại hoa văn này người thợ gốm Bầu Trúc thường dùng những lọn đất nhỏ hình con đỉa dán xung quanh vai gốm tạo thành một gờ đất nổi. Trên gờ đất đắp nổi này người thợ gốm lại dùng lọn đất hình con đỉa ngắn, nhỏ đắp chặt ngang và chia đường gờ xung quanh vai gốm mới đắp thành ba phần bằng nhau. Sau đó người ta dùng ngón tay cái bấm xung quanh trên gờ đất tạo thành những hình răng cưa lớn xung quanh vai gốm. Hoa văn này tiếng Chăm gọi là Bigu pachâk, trang trí phổ biến cho loại thạp đựng gạo và các loại đồ đựng cúng thần linh.
Ngoài những hoa văn trang trí đã nói trên còn một cách trang trí nữa là bôi màu làm hoa văn. Màu thực vật được chế tạo từ vỏ cây Lik likhun (Cây săn) hoặc Boh dan (Trái thị). Vỏ cây được phơi khô, đem ngâm với nước khoảng 10 ngày thì ra nước màu đỏ. Khi vỏ cây ngấm nước, ra màu, đến lúc nung gốm thì triết nước ra để sử dụng. Màu thực vật được sử dụng trang trí khi đồ gốm đã chín đỏ, vẫn đang rất nóng, họ dùng cây dài để đưa đồ gốm ra ngoài sau đó dùng chổi nhúng nước màu rắc đều lên thân đồ gốm.
* Tu sửa gốm.
Gốm sau khi được trang trí hoa văn được đưa rời khỏi hòn kê, phơi ở nơi râm mát tránh ánh sáng mặt trời. Họ phơi gốm trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, thường thì họ chọn thời gian từ 12 đến 14h chiều, là lúc vừa làm xong và là thời gian nghỉ trưa để phơi gốm. Gốm sau khi phơi hơi se mặt và khô ở phần vành miệng, phần thân và đáy dày hơn nên vẫn còn độ dẻo, lúc này người thợ gốm bắt đầu tu sửa chủ yếu ở ba bộ phận: cạo mỏng thân gốm, tu sửa đáy gốm, gắn kết quai, đế.
- Cạo sửa thân gốm: tạo hình bằng tay cho dù khéo léo đến mấy thì vẫn có những chỗ chưa được đều, độ dày mỏng khác nhau. Vì vậy đây là một bước để hoàn thiện thân gốm. Người thợ gốm dùng Vòng cạo (Vòng cạo (Tanuh), được làm từ thanh tre mỏng, uốn lại thành hình tròn đường chính 10cm rộng vừa đủ cầm tay), cạo đều bên trong và bên ngoài thân gốm làm cho thành gốm mỏng hơn. Việc cạo mỏng thân gốm nhằm làm tăng thẩm mĩ của đồ gốm, tăng nhiệt độ hấp thụ nhiệt của gốm, giảm trọng lượng gốm khi di chuyển, nhưng cách cũng làm giảm đi ít nhiều độ bền chắc của đồ gốm.
- Cạo sửa đáy gốm: đồ gốm Bầu Trúc khi tạo hình xong thì đáy bằng, dày, hơi lõm. Nếu không tu sửa cho đáy hơi lồi ra thì đáy sẽ dễ bị nứt vỡ khi phơi gốm và khi nung. Cách tu sửa đáy gốm được tiến hành như sau: đặt đồ gốm cố định trên đùi, một tay giữ đồ gốm còn tay kia dùng vòng cạo vào bên trong thân gốm cạo mỏng một lớp đất ở đáy gốm. Sau khi đã đạt được đến độ mỏng mong muốn, người thợ lấy đất ra ngoài và dùng tay đẩy nhẹ đáy gốm làm đáy nhô ra ngoài tạo thành đáy hơi tròn. Sau đó úp đồ gốm xuống đất và dùng vòng quơ thấm nước chải đều làm láng đáy gốm. Đây là một kinh nghiệm lâu đời của thợ gốm Chăm Bầu Trúc, nếu để đồ gốm đáy bằng không thích ứng được với sự con giãn vì biến thiên nhiệt độ khi phơi, khi nung sẽ làm cho đáy bị nứt vỡ. Khắc phục nhược điểm này người thợ gốm Chăm trong quá trình tu sửa đáy đồ gốm đã tạo cho mặt đáy hơi cong không bị biến dạng mạnh trước những biến thiên nhiệt độ.
Ngoài ra, với những sản phẩm gốm có kích thước nhỏ như lò nấu, lò hấp, ấm nước có quai, có chân đế, có lỗ thông hơi và các loại quai đậy miệng gốm…Với loại gốm này thì đáy không cần phải tạo mặt cong, chỉ cần cạo sửa qua loa sau đó gắn kết các bộ phận trên vào đồ gốm.
* Nung gốm
Gốm Bầu Trúc được nung ngoài trời, công đoạn này đỏi hỏi khá nhiều công sức. Khi có một khối lượng sản phẩm nhất định (thường khoảng 50 cái lu lớn và 100 cái gốm nhỏ) thì được đem ra nung. Vì nung ngoài trời nên phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Thường thì người Bầu Trúc hay chọn nung vào mùa nóng khô từ tháng 11 đến tháng 8 năm sau.
Trước khi nung gốm, gốm được đem phơi trong thời gian một ngày, công đoạn này đòi hỏi phải xoay chuyển đều đặn các phần theo hướng mặt trời để gốm khô đều.
Nguyên liệu nung chủ yếu là củi khô, phân trâu bò khô, rơm rạ, xác, bã thực vật.
Địa điểm nung gốm của người Chăm không cố định, tùy theo điều kiện thời tiết mà chọn địa điểm nung cho thích hợp. Khi đã chọn địa điểm nung, củi được xếp trên mặt đất ngang dọc chồng lên nhau thành hình chữ nhật, diện tích thường khoảng 12m2 (4m x 3m), xung quanh lớp củi đó người ta kê những hòn đá xung quanh để chống sụp lò gốm khi củi cháy. Sau đó người ta xếp gốm lên trên lớp củi, gốm được xếp từ chính giữa lò ra ngoài, chồng thành nhiều lớp, gốm lớn ở dưới, gốm nhỏ được xếp lên trên. Khi gốm đã xếp xong người ta dùng những que củi khô sắp mỏng dựa vào xung quanh gốm, sau đó phủ lên toàn bộ một lớp rơm rạ dày khoảng 20cm, rồi đổ thêm một lớp trấu mỏng trên bề mặt rơm rạ, sau đó dùng cây đòn dài đập nhẹ đều lên trên lớp rơm.
Các bước trên hoàn thành thì lò được đốt, đốt lò nung được thực hiện thường khi về chiều, êm gió hoặc gió nhẹ. Để lò có nhiệt độ ổn định đều đặn, người thợ gốm thường chọn hướng đốt lò nung ngược chiều gió, đốt theo hướng này tránh được gió thổi mạnh làm nguyên liệu bị cháy nhanh, hơn nữa đốt như thế làm cho lớp rơm rạ bên ngoài cháy chậm, giữ được lớp tro rơm phủ kín mặt lò gốm. Nhiệt độ lò nung gốm Bầu Trúc đạt khoảng 500 – 600oC
Khi củi cháy hết và gốm đạt đến độ chín (khoảng 1 ngày). Nếu có nhu cầu trang trí nhuộm màu thực vật cho áo gốm thì ngay lúc gốm còn đang nóng người thợ gốm dùng cây dài móc đồ gốm ra ngoài lò để trang trí. Còn nếu không trang trí thì phải đợi nguyên liệu cháy hết, lò nguội hẳn thì mới đem gốm khỏi lò nung.
Sau khi nung, dấu vết của lò nung chỉ còn lại dấu than củi và vài mảnh gốm vỡ, những thứ đó được người ta quét dọn đi. Điều đó có thể giải thích tại sao trong nghiên cứu Khảo cổ học lại không tìm thấy những lò nung gốm thời Tiền sơ sử, rất có thể giống như phương pháp nung của gốm Bầu Trúc như trên.

Ngoài ra, mới đây người ta còn phát hiện ra làng nghề làm gốm của người Mnông Rlâm ở Đăklăk, những những tư liệu về làng gốm này chỉ là những mẩu tin nhỏ đăng trên những trang báo điện tử. Theo đó, làng gốm của người Mnông Rlâm có quy trình làm gốm giống y hệt với làng gốm Bầu Trúc.

* Khai thác nguyên liệu: Gốm Bầu Trúc được sản xuất từ một loại đất sét có màu đen xám, độ kết dính cao. Ở làng Bầu Trúc hay nói đúng hơn là ở cánh đồng Phan Rang chỉ có một khu vực cánh đồng Hamu tanu Lan ở Bầu Trúc là có mỏ đất sét. Cánh đồng này nằm ở phía Bắc cách Bàu Trúc 4km.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét