Sống trên đất Mỹ đã sáu bảy năm nhưng
Chị Sương vẫn chưa thể nào bước chân ra khỏi hoàn cảnh khó khăn của một
người tỵ nạn vẫn còn đang đối đầu với rất nhiều vấn đề nan giải trong
cuộc sống hàng ngày.
Chị là một thiếu phụ nhan sắc, có học
lực trung bình cùng với năng khiếu về thi ca âm nhạc, chị có thể xử dụng
đàn guitar lẫn dương cầm thành thạo, tánh tình lại dễ thương hiền hậu,
nết ăn ở cư xử có chừng mực và thuận thảo với hầu hết những người chung
quanh, chị được mọi người cảm mến. Nhưng đời sống nội tâm của chị lại là
một chuỗi dài với những khúc quanh truân chuyên dang dở đầy những muộn
phiền. Anh Quang, người chồng chính thức của chị đã đến đất này vào
những năm tháng đầu tiên của thời kỳ mất nước, để lại người vợ trẻ là
chị Sương chung sống với một người em gái ruột bị bệnh bại liệt của chị,
còn trong tuổi vị thành niên ở lại Sài Gòn.
Thư qua tin lại, cùng những qùa cáp cấp
dưỡng tiền bạc đều đặn được anh Quang lo lắng chu toàn đầy đủ trong
nhiều năm tháng dài. Và, ngay cả việc bảo lãnh cho chị Sương và đứa em
gái nhỏ tàn tật của chị sang Mỹ cũng được anh Quang làm tròn bổn phận.
Ngày hai chị em chị Sương còn đứng tần
ngần bịn rịn ở ngưỡng cửa chiếc phi cơ hàng không dân dụng Việt Nam đậu
trong phi trường Tân Sơn Nhất để đưa hai chị em chị ra nước ngoài. Chị
quay mặt rưng rưng xao xuyến bồi hồi nhìn lại lần cuối cùng khung trời
cố hương rồi đưa tay vẫy chào đám người thân thuộc đi đưa tiễn lần cuối,
chị Sương và cô em gái những tưởng, từ đây, hai chị em của chị sẽ vĩnh
viễn chấm dứt những năm tháng đợi mong âu lo muộn phiền và sắp sửa bước
qua ngưỡng cửa của trần gian để đi đến một vùng trời khác, nơi hứa hẹn
có một đời sống thiên đường, có tình yêu chồng vợ sau bao tháng năm xa
cách với ngày đoàn tụ trong hương lửa mặn nồng, có một đời sống tiện
nghi vật chất dư thừa, phồn thịnh an vui và, nhất là có tự do đích thực,
không còn phải kéo lê những tháng năm ngậm ngùi đơn lẻ, tù túng trong
một xã hội mà chị tưởng như một nơi chốn cùng cực đọa đày để nuôi thân,
để thuốc thang chữa chạy cho đứa em gái xấu số.
Gặp lại được người chồng trên xứ lạ
nhưng là với một thực tế cay đắng phũ phàng, thiếu chút nữa, chị đã tìm
đến cái chết để kết liễu cuộc đời khi chị nghe anh Quang cho biết, anh
đã có vợ khác ở đây sau ít năm đầu tiên tha hương, anh sống lủi thủi cô
đơn lưu lạc nơi xứ người. Anh Quang thành khẩn mong chị hiểu và tha thứ
cho hoàn cảnh đang rất khó xử của anh.
Chị Sương bật khóc nghẹn ngào như kẻ mất
hồn rồi tự trấn tỉnh, cúi đầu chấp nhận một thực tế cay đắng bẽ bàng.
Chị vận dụng tất cả nghị lực để nhận chịu một quyết định phũ phàng và
cam tâm vĩnh biệt người chồng với biết bao yêu thương hy vọng để sẵn
sàng đối diện với dòng đời mới chênh vênh đang chực chờ ở trước mặt.
Vậy mà, thời gian thấm thoát trôi nhanh
như nước chảy qua cầu, chị với Hương, cô em gái bại liệt đã sống ở Mỹ
sáu bảy năm nhanh chóng với nỗi niềm thất vọng muộn phiền trong khi cô
em gái nay đang bước dần tới ngưỡng cửa trưởng thành, cho nên, chị biết
rất rõ rệt, chị không thể thủ phận mãi như thế này với số tiền cấp dưỡng
khiêm nhượng của sở xã hội chỉ dành cho cô em gái tàn phế đáng thương.
Chị cần phải có công ăn việc làm chắc
chắn bền bỉ lâu dài, hai chị em của chị cần đặt chân vào nấc thang thăng
tiến, cần có một đời sống bảo đảm tươm tất hơn tình trạng giật gấu vá
vai, thu vén chật vật như hiện giờ. Chị cắn răng gác bỏ tất cả những xô
đẩy thúc bách của cuộc sống hàng ngày và ngay cả những mối manh săn
đuổi, chinh phục của các đấng mày râu đa tình khi họ thấy chị còn rất
trẻ đẹp, lại sống chịu đựng lủi thủi một thân một mình để vùi đầu vào
việc lo lắng cho cô em gái nhỏ và chị tự học hành lấy được một mảnh bằng
y tá để kỳ vọng sẽ kiếm được một công việc làm.
Bổn phận của chị Sương là từng ngày,
đúng giờ giấc, đến trông nom săn sóc cho một cụ ông gia cảnh giàu có con
cháu đông đảo thành đạt đáng kể, cụ bị chứng bệnh nghễng ngãng, dở hơi,
đôi mắt lúc nào cũng như thất thần ngây dại, tuổi tác của cụ đã già mà
chưa một ai, kể cả các con các cháu thân thuộc ở trong gia đình được cụ
bằng lòng cho đến gần để họ có thể hầu hạ chén cơm ly thuốc, săn sóc cái
ăn cái mặc cho cụ hàng ngày.
Ngày đầu tiên bước vào trong khu nhà đồ
sộ nguy nga này để được người quản gia đứng tuổi dẫn đến một căn phòng
là nơi chốn riêng biệt do đám con cháu trong nhà dành riêng cho ông cụ,
chị Sương đã như muốn nghẹt thở với mùi hôi hám rất khó chịu. Về phần
bệnh nhân là ông cụ thì than ôi! Thật hết cách mô tả, cụ ông ăn mặc quần
áo dơ bẩn nhàu nát lôi thôi, đôi mắt lúc nào cũng long lên, ngây dại
lạc thần. Toàn thể căn phòng tỏa ra một mùi hôi tanh không thể nào chịu
được, khiến cho chị Sương bủn rủn cả người và phải tháo chạy đến phòng
vệ sinh để mửa ra thốc tháo.
Viên quản gia và đám con cháu có tác
phong đàng hoàng đĩnh đạc của ông cụ trong nhà chừng như hiểu biết qúa
rõ về những điều tệ hại mà chị Sương đang phân vân chưa thể quyết định.
Họ hết lời van lơn thuyết phục và đối đãi với chị Sương bằng tất cả tấm
lòng hậu hĩnh với một mức lương ngoại lệ đưa ra để hậu đãi chị mà, chị
Sương biết rằng, ở Mỹ này, tìm được một mức lương và thời khóa biểu làm
việc linh động tự do như vậy không phải là việc dễ dàng, ngay cả đối với
những người đã đi làm thâm niên có bằng cấp lớn, cũng khó mà có được,
trong khi, chị em chị Sương lại rất cần tiền. Chị quyết định nhận việc
và kiên nhẫn tìm tất cả mọi phương cách để khuất phục cho được ông cụ
già nhà giàu mắc bệnh ngớ ngẩn, không chịu vâng lời.
Việc làm của chị Sương thật qúa vất vả
như thông lệ, thật đáng đồng tiền bát gạo mà đám con cháu trong gia đình
ông cụ đã bỏ ra mướn chị, nó đòi hỏi một sức chịu đựng kiên nhẫn phi
thường trước một người già không còn thuần tính, không chịu nghe theo
những sự chỉ bảo và vâng lời, lại thường hay nổi cơn điên khùng bất
chợt. Nếu không vì mưu cầu cho đời sống mới với tương lai cấp bách của
đứa em gái, chị Sương thà chết, cũng không thèm đảm nhận một việc làm
kinh khiếp này. Nghĩ đi nghĩ lại rồi cuối cùng, chị Sương quyết định làm
công việc săn sóc, hầu hạ ông cụ già khó nết, ngẩn ngơ, bằng tất cả
thiện chí cùng sự siêng năng. Nhờ vậy, sau đó mọi việc đều được cải
thiện dần dần.
Mãi về sau này, chị Sương mới may mắn
tìm ra cơ hội để biết rằng giữa chị với ông cụ già bệnh hoạn kia cùng
với những mối nhân duyên khác với chồng, với cô em gái, với ông cụ già
bệnh hoạn..., đã có những liên hệ hết sức chặt chẽ từ những dòng tiền
kiếp luân hồi.
*****
Từ tiền kiếp đã qua, chị Sương vốn là
một người công bộc chung thủy trong một gia đình nhà giàu, chị cũng có
một cô con gái mà ở trong kiếp này, cô ta đang trở thành cô em gái nhỏ
tàn tật của chị Sương.
Thuở ấy xa xưa, giai cấp giữa hai người
này ở kiếp trước, tuy ở hai giai cấp khác biệt tớ chủ, nhưng qua mối
quan hệ đồng trang lứa, cô Thu và anh Thức ở kiếp trước vốn là hai anh
em ruột trong gia đình nhà giàu đó.
Tánh tình của hai anh em Thu với Thức
đều là hai người tốt bụng, riêng có chút cá tánh ích kỷ, ganh tị hẹp
hòi. Vì rằng thường thường, con gái nhà giàu nếu không được giáo dục
nghiêm minh cẩn thận, thường hay kiêu kỳ bác bậc và khinh bỉ những kẻ
tật nguyền. Thu thường nhẫn tâm hành hạ và chế nhạo những kẻ mù lòa hoặc
què quặt tàn phế. Vào thời kỳ tháng ba năm Ất Dậu với nạn đói kém khi
xưa, những kẻ thiếu thốn áo cơm đã bị chết đói chết lạnh đầy đường. Chị
Sương đối với Thu, tuy là người ăn người ở, nhưng tuổi tác sàn sàn như
nhau, cho nên cũng có những khi chị kết bạn thân thiết chơi đùa với cả
hai người. Họ trở nên gần gũi với nhau như những kẻ ruột thịt một nhà.
Chị Sương cũng được cha mẹ của Thu và Tuấn đối xử bình đẳng thương yêu.
Vì tánh hạnh của chị Sương ở tiền kiếp
chăm chỉ hiền lạnh như vậy, cho nên chị được vợ chồng người chủ, tức là
cha mẹ của Thu trong kiếp trước tỏ lòng thương yêu, đối xử vả thương mến
chị chẳng khác họ đối xử với người gái con ruột, cho nên, dù hai người
chơi thân với nhau, nhưng trong thâm tâm, Thu vẫn ngấm ngầm ghen tức.
Đến lúc cả hai đã trở thành những thiếu
nữ trưởng thành, chị Sương (kiếp trước) được một chàng trai khôi ngô
tuấn tú đem lòng thương yêu, trong khi Thu cũng thầm yêu trộm nhớ người
thanh niên ấy đã lâu. Khi biết được rằng người con trai kia đã đặt hết
tình yêu dành cho chị Sương thì Thu không dằn được lòng ghen hận, một
hôm Thu đang đang quanh quẩn chơi đâu đo trong lúc chị Sương (vốn là
người ở gái của gia đình Thu trong tiền kiếp) đang lúi húi đứng múc nước
ở dưới một cái giếng lên để giặt quần áo thì Thu thừa lúc chị Sương vô
ý, chạy đến xô mạnh cho chị Sương ngã lao đầu xuống giếng, đến lúc mọi
người phát giác ra để cứu chị lên thì chị Sương đã bị què mất một bên
chân sau khi tỉnh lại. Chị chẳng những không trách oán Thu mà còn nghĩ
đến ân nghĩa của cha mẹ Thu cho nên quên đi hết mọi việc và vẫn thương
yêu Thu, coi Thu như một người bạn thân như cũ.
Về phần của ông cụ già bệnh hoạn mất trí
mà chị Sương không phải do ngẫu nhiên tình cờ mà đến hầu hạ săn sóc,
cũng không phải đương nhiên ông cụ mất trí này lại để cho chị Sương chăm
nom cho mình rồi từ sự chăm nom thân tình đó, ông cụ đã có cơ may bình
phục.
Thật ra, từ tiền kiếp, ông cụ chính là
người con của chị, do bởi hoàn cảnh của chiến tranh tao loạn, trong khi
chạy giặc, chị đã bỏ lại đứa con thơ dại cho người khác nuôi mang, nhưng
vì hoàn cảnh qúa khó khăn trong thời kỳ chinh chiến tao loạn, thực phẩm
thuốc thang quần áo đều rất khốn quẩn, cho nên đứa con chị Sương đã bị
qua đời rồi được đầu thai ở kiếp này và mọi việc đã được diễn tiến như
độc giả đã thấy. Chị Sương vẫn phải trả lại những nợ nần, tình cảm tích
tụ từ kiếp trước cho đứa con trai, nay chính là ông cụ nhà giàu bị bịnh
tật và mất trí nhớ.
Còn đối với anh Quang, tức là người
chồng ở kiếp này của chị, đã không ăn đời ở kiếp với chị Sương, trái
lại, anh có gia đình với một người vợ khác chẳng qua là do tiền kiếp xa
xưa, ở một tiền kiếp chị Sương, vốn là con gái của một gia đình khá giả,
chị đã trao trọn tình yêu của chị cho một người thanh niên tuổi cùng
trang lứa, hai người ước hẹn sẽ được lấy nhau, yêu nhau trọn đời. Nhưng
oái oăm thay! Cha mẹ của chị vì muốn môn đăng hộ đối cho nên gả chị cho
một thanh niên khác, cũng thuộc loại con nhà danh gia vọng tộc. Người
thanh niên này cũng đã từ lâu thâm yêu chị, anh ta cũng rất mực yêu chị
mà chị lại chẳng chút yêu mến lại anh ta. Hai vợ chồng ăn ở với nhau
chẳng được bao lâu thì chị nghe tin người yêu cũ bị tử nạn chiến tranh.
Chị ngấm ngầm đau khổ trong lòng và vì muốn giữ trọn niềm thủy chung với
người tình cũ lúc nào hết dạ yêu thương chị, cho nên, chị thừa lúc vắng
chồng, vội lấy dây thắt cổ mà chết, để lại người chồng đau đớn tận cùng
trong khi trong lòng của anh ta vẫn yêu chị đến muôn ngàn muôn kiếp.
Chẳng bao lâu vì qúa thương nhớ người vợ đã qua đời, cho nên người chồng
của chị cũng chỉ còn biết ngậm ngùi, kéo dài những ngày tưởng nhớ cho
đến giờ phút anh lâm chung. Và nghiệp báo, đã cho thấy anh Quang, người
chồng của chị Sương ở kiếp này, cũng đã oan oan tương báo, để cho mối
duyên chồng vợ phải đứt gánh giữa đàng.
Chính những sự kiện tao phùng tưởng như
tự nhiên, tưởng như phi lý này, lại chính là do sự chi phối bất di dịch
của vòng quay qủa báo luân hồi. Và chị Thu ở kiếp này đang phải cưu
mang, chu toàn cho Hương, người em gái ruột tàn tật của chị, mà kỳ thật,
Hương chính là người bạn gái, là cô chủ con nhà giàu, chơi thân với
chị, đã làm cho chị Sương bị té xuống giếng đến phải què chân từ tiền
kiếp. Ở kiếp này, Thu đang phải trả qủa bởi chính sự tàn phế bẩm sinh
của mình và chị Sương cũng đang trả phần nghiệp quả của chị để đền đáp
lại những sự thương yêu bao bọc của hai vợ chồng người chủ nhà, chính là
ba mẹ của Thu ở tiến kiếp.
Cho hay, quả báo luân hồi chính là kết
qủa của một chuỗi chất chồng mọi công tội, phước hạnh của một con người.
Ai tạo được phước báu thì sẽ nhận được phước hạnh của đời sau. Ai gieo
rắc qủa xấu, làm những việc thất đức hay xử dụng tình cảm thương yêu
không đúng, đem đến những đau khổ cho người chung quanh, thì hẳn nhiên,
bánh xe luân hồi sẽ quay mãi và đưa nghiệp quả của người đó đến chính vị
trí mà người đó đã tác tạo ra.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét