Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Ngày hội Lục bát Quý Tỵ - 2013: Mong Lục bát là Quốc thi


Biểu trưng cho giọng nói Việt?
 
 Đến với Ngày hội Lục bát, người ta được đắm chìm trong không gian "Ngàn năm hồn Việt" của những "Lục bát quán" mang hồn quê dân dã. Đó là nơi những người yêu thơ và nghệ sĩ có thể trình diễn thơ, giới thiệu đặc sản của từng vùng miền. Tối 7/9, lần đầu tiên công chúng được thưởng thức "Đêm hội Lục bát" với điểm nhấn là chương trình trình diễn thời trang dân tộc "Hồn quê và dáng Việt Qúy Tỵ". Và có lẽ, đây cũng là một trong số hiếm hoi những "cuộc chơi" mà hàng ngàn người tham dự đều mặc trang phục dân tộc truyền thống.

Trong khi đó, Ngày hội Lục bát diễn ra ngày 8/9 (tức ngày 4/8 âm lịch) lại có nhiều nghi lễ đặc trưng như: Đánh trống khai hội, lễ dâng hương và rước thơ Lục bát, lễ đọc "Chúc văn" cầu cho Quốc thái dân an, lễ phát lộc ấn phẩm "Lộc phát"… Hàng trăm đoàn từ các CLB thơ Việt Nam tụ hội và trình diễn Lục bát. Bên lề ngày hội, Ban Tổ chức cũng mở thêm nhiều hoạt động ý nghĩa khác: Mỗi người một cuốn sách tặng thư viện huyện đảo Trường Sa. Hay mỗi người đều có quyền ký tên để ủng hộ cuộc vận động tôn vinh Lục bát là Quốc thi, và vận động để UNESCO công nhận Lục bát Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Phải ghi nhận, từ năm 2009 đến nay, Ngày hội Lục bát nào cũng thu hút hàng ngàn người tham gia cùng nhiều hoạt động đặc sắc, có sức lan tỏa lớn. "Thật khó tìm một giai điệu ngôn ngữ nào phù hợp để làm biểu trưng cho giọng nói Việt hơn là nhịp điệu nhịp nhàng, êm đềm với những thanh âm, cung bậc trắc bằng trong điệu ngôn ngữ của nhịp thức 6 và 8..." - nhà thơ Đỗ Trọng Khơi chia sẻ.

Hé lộ những tài năng

Ngày hội năm nay còn có lễ sơ kết và trao thưởng lần thứ nhất Cuộc thi thơ Lục bát chủ đề "Tổ quốc và đạo pháp". Ban Tổ chức cho biết, từ 12/9/2012 - 15/7/2013, đã có gần 3.000 bài dự thi của hơn 500 tác giả gửi về. Và 14 tác giả đã được vinh danh với 6 giải Lục bát Trăng vàng và 8 giải Lục bát Trăng bạc. Nhà thơ Vương Trọng - Trưởng Ban giám khảo chia sẻ: "Các tác giả đoạt giải đã mang đến cuộc thi những áng thơ với ngôn ngữ, hình ảnh đẹp, nhịp điệu, niêm luật đặc trưng của thể thơ truyền thống với cảm xúc tươi tắn. Thể thơ Lục bát vốn bị hạn chế bởi số từ và vần luật, nhưng ngay năm đầu tiên tổ chức, cuộc thi đã hé lộ những giọng Lục bát lấp lánh, cho hy vọng kết quả cao hơn vào chặng đường tiếp theo".

Nếu như tác giả Ngô Bá Hòa có những vần điệu về làng quê thơ mộng trong "Những điều bình dị" thì Phạm Thành Minh lại có cảnh làng quê hiện lên trong Lục bát một cách trẻ trung, dí dỏm, ý vị trong "Đã tằm thì phải nhả tơ". Đề tài Đạo pháp, hình ảnh ngôn ngữ nhà Phật, giá trị tâm linh đi vào đời sống lại được thể hiện gần gũi, đời thường trong “Sau lá bồ đề” của Nguyễn Minh Khiêm hay "Tắm trăng" của Nguyễn Tấn On. Biên giới biển đảo - vấn đề thời sự nóng bỏng hiện tại, cũng được đề cập với những bài thơ da diết, giàu trách nhiệm công dân trong "Gió từ mộ gió" của Nguyễn Ngọc Hưng…

Cuộc thi mới ở năm đầu tiên, song số lượng bài tham gia dự thi gồm nhiều tác giả ở đủ các lứa tuổi. Điều ấy cho thấy, tấm lòng của người Việt đối với Lục bát vẫn tràn trề nhiệt huyết, đó chính là cội nguồn để bảo tồn thể thơ truyền thống của dân tộc.
 
http://vntime.vn/VanHoa-DuLich/VanHoa-NgheThuat/2013/9/10/Ngay-hoi-Luc-bat-Quy-Ty-2013-Mong-Luc-bat-la-Quoc-thi-6ac6bd52.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét