Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Thông cáo báo chí Ngày Hội Lục Bát Qúy Tỵ và kết quả cuộc thi "Tổ quốc và đạo pháp 2013"

Liên tục từ năm 2009 đến nay, Lễ hội Lục Bát là sự kiện Văn hóa - Tâm linh thường niên, do Website Lục Bát Việt Nam khởi xướng và hàng chục đơn vị cơ quan thông tấn báo chí đồng tổ chức; với mong muốn góp phần vận động để tôn vinh Lục Bát là Quốc Thi và tiến tới: Lục Bát là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Mỗi mùa Lễ hội Lục Bát đã thu hút hàng ngàn người tham gia, cùng nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, phong phú, hấp dẫn, mang tầm cỡ quốc gia và có sức lan tỏa rộng khắp, không chỉ giới hạn trong cộng đồng những người yêu Lục Bát và trân trọng Văn hóa truyền thống của Việt Nam. Lễ hội Lục Bát đã nhận được sự đồng thuận cao của dư luận người yêu thơ và báo giới trong nhiều năm qua…

Đến với Ngày Hội Lục Bát, tâm hồn mỗi chúng ta sẽ cùng được lắng lại, chìm đắm trong không gian “Ngàn năm hồn Việt” của những “Lục bát quán” mang đậm chất hồn quê dân dã – Nơi những người yêu thơ và nghệ sĩ có thể trình diễn thơ ca; đồng thời, giới thiệu đặc sản ngọt lành của từng vùng miền thôn quê hồn hậu. Là những không gian xưa với những cô gái “yếm thắm, má đào” và những chàng trai  “áo the, khăn xếp”…

Đặc biệt, lần đầu tiên năm nay chúng ta có “Đêm hội Lục Bát” mà điểm nhấn là chương trình Trình diễn Thời trang Dân tộc mang tên “Hồn quê và Dáng Việt Qúy Tỵ”; với những người mẫu trong trang phục, nhạc nền… đậm đà bản sắc dân tộc; xuất phát từ ý tưởng thật sự lãng mạn và độc đáo: Hãy cùng nhau đưa những bộ Yếm đào “lên ngôi”!

Xét về góc độ tổ chức: Lần đầu tiên Ngày hội Lục Bát có sự tham gia của Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và phát triển Việt Nam – Một đơn vị mới thành lập của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam. Có thể sự nhập cuộc mới mẻ và hào hứng này chỉ giống như “thử nghiệm”; nhưng hi vọng sẽ đặt nền móng cho một hoạt động mang tính truyền thống thường niên; đó là sự kết nối  bền vững giữa Văn hóa và Doanh nhân của các Doanh nghiệp Việt Nam.

Cũng trong Đêm hội này, còn có Lễ sơ kết và Trao thưởng lần thứ Nhất Cuộc thi Thơ “Tổ quốc và Đạo pháp”. 14 tác giả sẽ được vinh danh với bộ giải thưởng 6 giải Lục Bát Trăng Vàng và 8 giải Lục Bát Trăng Bạc. Lần đầu tiên ở Việt Nam, các tác giả sẽ được nhận giải thưởng bằng Vàng và Bạc thật (có chứng nhận của một công ty Vàng Bạc đá quý); Giải thưởng còn vinh dự được các Cao tăng Nhà Phật “chứng minh” và “tâm linh hóa”.

Ngày Hội Lục Bát (8/9/2013 - Tức ngày 4/8 Âm lịch) sẽ là tâm điểm với nhiều nghi lễ và nghi thức đặc trưng truyền thống mà chỉ trong Lễ hội Lục Bát mới có, như: Đánh trống khai hội, Lễ Dâng hương và Rước Thơ Lục Bát, Lễ đọc “Chúc văn” cầu cho Quốc thái dân an”, Lễ Phát lộc ấn phẩm “Lộc Phát” của các Cao tăng nhà Phật…

Bên lề Ngày hội, BTC cũng tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Mỗi người một cuốn sách tặng thư viện Huyện đảo Trường Sa (mỗi tác giả, khách mời, người yêu thơ có thể mang theo ít nhất một cuốn sách để cùng ủng hộ, như giấy mời đã lưu ý). Hay mỗi người đều có quyền ký tên để ủng hộ cuộc vận động tôn vinh Lục Bát là “Quốc Thi”, và vận động để UNESCO công nhận: Lục Bát Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hàng trăm Đoàn từ các CLB Thơ Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, đại diện cho hàng vạn CLB Thơ trên toàn quốc, sẽ tụ hội và trình diễn Lục Bát để được vinh danh bằng những bộ Huy chương Vàng và Bạc.

Ngày Hội Lục Bát Qúy Tỵ 2013 dự kiến thu hút sự tham gia của hàng ngàn nhà thơ và những người yêu thơ. Đặc biệt, Ngày hội còn có sự tham gia của nhiều vị Cao tăng Phật giáo, đội Nữ tế, đội Nam tế, Phường Bát âm, nhiều Nghệ sĩ dân gian nổi tiếng của Việt Nam… Tất cả đều mặc trang phục dân tộc truyền thống.

Ban Tổ Chức Ngày Hội
 
  
Một buổi làm việc của Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức cuộc thi “Tổ quốc và Đạo pháp” tại Chùa Quán Sứ, từ trái qua: Ông Hà Văn Núi, Phó chủ tịch UBTWMTTQVN; Hòa thượng Thích Gia Quang, Chánh Văn phòng Hội đồng Trị sự TWGHPGVN; Nhà thơ Đặng Vương Hưng và Đại đức Thích Đức Thiện, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự TWGHPGVN (năm 2012).
 
    CHÚC MỪNG 14 TÁC GIẢ SẼ ĐƯỢC TRAO THƯỞNG LỤC BÁT TRĂNG VÀNG VÀ LỤC BÁT TRĂNG BẠC LẦN THỨ NHẤT!                                                 
Kể từ cuộc thi thơ lục bát đầu tiên của báo Giáo dục và Thời đại năm 1996 -1997 đến nay, trên thi đàn chúng ta đã có nhiều cuộc thi Thơ Lục Bát. Nhưng đây là lần đầu tiên một cuộc thi sáng tác thơ Lục Bát về đề tài Phật giáo được tổ chức, với quy mô và thời gian kỷ lục: Kéo dài tới 6 năm (2012 – 2018). Và cũng lần dầu tiên ở nước ta có một bộ giải thưởng bằng Vàng và Bạc thật, được trao cho các tác giả đạt giải. Đó là những ý tưởng, sáng kiến độc đáo của lucbat.vn – Một trang web cộng đồng phi lợi nhuận, được điều hành bởi những nhà thơ tình nguyện viên.
Ngay từ khi thành lập, cách đây 5 năm, vào đúng ngày 6 tháng 8 âm lịch, lucbat.com (nay là Lục Bát Việt Nam – Lucbat.vn) đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của những người yêu thơ lục bát trong cả nước, nên khi cuộc thi thơ Lục Bát với nội dung “Tổ quốc và Đạo pháp” được Lục Bát Việt Nam khởi khởi xướng và phát động, thì được đông đảo bạn viết tham gia. Về nội dung, “Tổ quốc và Đạo pháp” rất rộng, hầu như ôm chứa mọi tâm tư, suy nghĩ và tình cảm của chúng ta: Tình yêu quê hương, đất nước; tình yêu giữa con người với nhau, về lòng nhân đạo… Như thể lệ đã thông báo: Cuộc thi sẽ kéo dài trong 6 năm, mỗi năm đều có Tổng kết và trao giải… Và sau 6 năm sẽ là “Đại Tổng kết”: Ngoài bộ giải thưởng 6 Lục Bát Trăng Vàng và 8 Lục Bát Trăng Bạc; còn có một giải thưởng độc đắc mang tên “Kim cương”, trị giá tới một “cây” vàng.

Cuộc thi năm nay bắt đầu nhận bài từ ngày 12 tháng 9 năm 2012, và kết thúc nhận bài vào ngày 15 tháng 7 năm 2013. Trong khoảng thời gian xấp xỉ 10 tháng đó, Ban Tổ chức đã nhận được trên 700 tác phẩm của hàng trăm tác giả ở mọi miền đất nước. Ban Sơ khảo đã làm việc và thống nhất đưa lên Ban Chung khảo 21 tác giả xuất sắc nhất với tổng số 36 bài thơ. Ban Chung khảo gồm nhà thơ Vương Trọng (Trưởng ban) và các nhà thơ Trần Nhương, Đặng Vương Hưng, Bùi Kim Anh và Thu Nguyệt là các ủy viên. Một điều thuận lợi là nhiều ủy viên ban Chung khảo đã từng tham gia chấm thi cho nhiều cuộc thi thơ, kể cả thi thơ Lục Bát, nên có kinh nghiệm làm việc, dễ thống nhất với nhau trong cách thức bỏ phiếu và cho điểm.

Trước hết, Ban chung khảo thống nhất loại ra những bài thơ “phạm quy”, nghĩa là những bài thơ đã được tác giả sử dụng in báo giấy, hoặc công bố trên mạng internet, trước khi xuất hiện trên Lucbat.vn. Đó là bài thơ “Sau lá bồ đề” của tác giả Nguyễn Minh Khiêm và bài “Một mình đong gió chiều đông” của Phạm Minh Trâm. Phần này, có công phát hiện của cư dân mạng Lucbat.vn.

Lục Bát là thể thơ hết sức coi trọng vần và điệu. Bởi vậy, Ban Chung khảo đã thống nhất với nhau: Những bài thơ có những câu thơ thất vận (không vần) hoặc lặp vần thì sẽ bị “hạ” điểm. Và thực tế, có những bài đã bị “phạt” vì lý do này, như: “Với lên chạm tới thiên đình” của Phạm Minh Giắng, “Quê tôi miền Trung” của Phùng Thị Như Hà, “Chiều hồ Tây” của Phạm Đình Nhân và “Bồ đề tâm” của Phạm Khắc Uyên. (Tuy nhiên, do tôn trọng kết quả Sơ khảo, nên chúng tôi vẫn công bố cả chùm thơ được giải).

 Còn lại 30 bài, được từng thành viên Ban Chung khảo chấm bằng cách cho điểm. Cách thức cho điểm được thống nhất như sau: Số bài này được chia thành bốn loại, tương ứng với các điểm: 6, 7, 8, 9. Nghĩa là bài hay nhất được cho 9 điểm, kém nhất là 6 điểm. Ban Chung khảo không làm theo lối cho điểm các bài thơ từ 1 đến 10, vì không ai có thể phận loại thơ chi ly được như thế. Hơn nữa, việc phân loaị quá xa nhau như thế dễ tạo kẽ hở cho người chấm thi, nếu như không công tâm, có tính thiên vị thì dễ thực hiện được ý đồ của mình.

  Như vậy là, các thành viên Chung khảo cho điểm từng tác giả, mỗi tác giả có thể là một bài hoặc một chùm, sau đó cộng số điểm của từng thành viên đã cho lại, chia ra lấy điểm trung bình, lấy từ trên cao xuống thấp: 6 người có số điểm cao nhất sẽ được Giải Vàng và 8 người tiếp theo (có số điểm từ thứ 7 đến 14) sẽ được Giải Bạc.

   Do yêu cầu của Ban Tổ chức, muốn bí mật kết quả cụ thể đến phút chót, nên trong bài viết này, chúng tôi chỉ công bố 14 tác giả trúng giải sau đây (xếp thứ tự tên theo vần a, b, c):
1-    Tác giả: DU AN
Địa chỉ: Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Điện Biên
Với chùm thơ 2 bài: Làng trời; Cát bụi xanh rì
2- Tác giả: ĐỖ BÁ CUNG
Địa chỉ: CLB Lục Bát Việt Nam Thành phố Hải Phòng
Với bài thơ: Quán quê
3- Tác giả: PHẠM MINH GIẮNG
Địa chỉ: Trung tâm Bảo trợ xã hội Vũ Thư, tỉnh Thái Bình
Với chùm thơ 3 bài: Với lên chạm tới thiên đình; Rúc ra rúc rích; Cây đa cảnh
4- Tác giả: NGƯNG THU (tức PHÙNG THỊ NHƯ HÀ)
Địa chỉ: Trường THCS Tân Hà, Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận 
Với chùm thơ 3 bài: Quê tôi miền Trung; Đi giữa muôn trùng; Hành trình tôi đi
5- Tác giả: NINH ĐỨC HẬU
Địa chỉ: Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình
Với chùm thơ 2 bài: Người đàn bà ngồi trên bậu cửa;
Cánh đồng trả ơn

6- Tác giả: NGUYỄN BÁ HÒA
Địa chỉ: Trường Đại học Quảng Nam – Tam Kỳ, Quảng Nam
Với chùm thơ 3 bài: Những điều bình dị; Ngỡ; Giọt nắng cuối ngày
7- Tác giả: NGUYỄN NGỌC HƯNG
Địa chỉ: Thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi
Với chùm thơ 2 bài: Niệm; Gió từ mộ gió
8- Tác giả: PHAN THÀNH MINH
Địa chỉ: Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
Với chùm thơ 3 bài: Tình quê; Chị dâu tôi; Đã tằm thì phải nhả tơ
9- Tác giả: NGUYỄN TẤN ON
Địa chỉ: Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
Với bài thơ: Tắm trăng
10- Tác giả: LƯƠNG THẾ PHIỆT
Địa chỉ: CLB Lục Bát Việt Nam Thành phố Hải Phòng
Với chùm thơ 3 bài: Mo cau; Ổ rơm hơi ấm vẫn còn; Tiếng gậy khua
11- Tác giả: LẠI QUANG PHỤC
Địa chỉ: 31 Chùa Cả, P. Vị Xuyên, TP. Nam Định
Với bài thơ: Không gian thiền
12- Tác giả: ĐOÀN VĂN THANH
Địa chỉ: Tập thể Học viện Chính trị Quân sự Hà Nội
Với chùm thơ 2 bài: Chớm đông; Mẹ đi như hạt sương sa
13- Tác giả: PHẠM TRỌNG THANH
Địa chỉ: Số 6/22, phố Ngô Quyền, TP. Nam Định
Với bài thơ: Thi khúc Bình Định
14- Tác giả: PHẠM KHẮC UYÊN
Địa chỉ: 224 Nguyễn Trãi 2, Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương
Với chùm thơ 2 bài: Bồ đề tâm; Nhân sinh

Nhà thơ Vương Trọng(Trưởng Ban Chung khảo)

http://vntime.vn/VanHoa-DuLich/VanHoa-NgheThuat/2013/9/3/Thong-cao-bao-chi-Ngay-Hoi-Luc-Bat-Quy-Ty-va-ket-qua-cuoc-thi-To-quoc-va-dao-phap-2013-090ddddc.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét