Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

THỜ CÚNG TỔ TIÊN CÓ TỪ THỜI HÙNG VƯƠNG


I/ THỜ CÚNG TỔ TIÊN CÓ TỪ THỜI HÙNG VƯƠNG
            Thờ cúng Tổ tiên là tín ngưỡng dân gian xuất hiện từ thời sơ cổ người Việt và được hình thành trên cơ sở tín ngưỡng thờ Thần
            Đối tượng thờ cúng thần linh được mở rộng đến việc thờ cúng vong hồn những người trong gia đình cùng huyết thống.
Vì thực tế cuộc sống, con người được sinh ra, nuôi dưỡng, che chở, bảo bọc trưởng thành bằng những con người cùng chung huyết thống.
            Con người mong cầu hạnh phúc đó tồn tại. Cho nên khi ông bà, cha mẹ chết đi, con cháu luôn luôn tôn thờ và cầu mong được che chở độ trì như lúc còn sống.
            Người bình dân tin tưởng con người chết thể phách  tiêu tan nhưng tinh thần vẫn còn có thể can thiệp vào công việc của người sống. Những người lúc sinh thời có tài đức thì công năng phù trợ, độ trì càng lớn.
Tại  nước  ta,  từ đời Hùng Vương thứ 6, tục thờ Tổ tiên của người Việt đã phát triển sâu rộng từ người bình dân cho đến tầng lớp vua quan với truyền thuyết dân gian “Bánh chưng, bánh dày”.
Tiết Liêu (còn gọi Lang Liêu) con của vua Hùng Vương đời thứ 6.
Trong dịp cúng Tổ, vua cha tỏ ý muốn các con dâng lên những món ăn độc đáo để thờ cúng Tổ tiên. Tiết Liêu đã sáng tạo ra bánh chưngbánh dày, tượng trưng cho Trời, Đất. Nhờ sáng tạo có ý nghĩa, Tiết Liêu được truyền ngôi, tức là Hùng Vương  thứ 7.
Hai thứ bánh do Tiết Liêu sáng tạo ra đã trở thành món ăn truyền thống dâng cúng Tổ tiên của dân tộc Việt.
Vậy, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên vốn là tín ngưỡng bản địa người Việt, xuất hiện trong thời kỳ Hùng Vương.
II/ QUAN HỆ THỜ CÚNG TỔ TIÊN VỚI NHO, PHẬT, LÃO GIÁO
Vào thế kỷ thứ I và II, hệ thống lý luận Nho giáo du nhập ở nước ta đã góp phần củng cố, mở rộng thêm lý thuyết về thờ cúng Tổ tiên của người Việt.
Nho giáo truyền sang nước ta mang theo nội hàm “kính kỳ sở tôn, ái kỳ sở thân, sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, hiếu chi chí giã  敬 其 所 尊, 愛 其 所 親, 事 死 如 事 生, 事 亡 如 事 存, 孝 之 至 也 ” Kính người trên, thương người thân, thờ người chết như người còn sống, trọng người đã khuất như người hãy còn. Đó là trọn hiếu vậy!  (Trích Trung Dung, chương “Hiếu là nối chí Tổ tông”)
Phật  giáo  coi  trọng Tứ ân, trong đó có  “Phụ mẫu ân”, cầu siêu bạt độ vong linh người thân siêu thoát, tái sinh. Trợ duyên cho ông bà, cha mẹ tu tập theo Phật là điểm khác biệt căn bản chữ hiếu giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian.
Lão giáo không coi trọng đời sống vong hồn, chú ý đời sống thực tại hơn. Lão giáo phù thủy dùng các pháp thuật trừ tà ma, trị bệnh. Lão giáo thần tiên hướng tới việc tu luyện thành thần tiên, trường sinh bất tử. Quan niệm người chết là về với cõi Tiên, về cõi Trời. Trướng liễn đưa tang lễ “Giá hạc quy Tiên”, “Tiên cảnh nhàn du” xuất phát từ quan điểm Lão giáo.

III/ BÀI VỊ THỜ CÚNG TỔ TIÊN
Bài vị (còn gọi là thần chủ, thần vị, linh vị) là tấm thẻ gỗ hoặc giấy ghi tên tuổi đặt tại bàn thờ của người đã mất.
Có 2 loại thần chủ/bài vị:
            -Vĩnh tế thần chủ: Thần chủ thờ cúng vĩnh viễn tại từ đường Thủy tổ, từ đường Phái, từ đường Chi.
            -Ngũ  đại  mai  thần chủ: Thần chủ thờ tại gia đình, đến đời thứ 5 được chôn đi.
            Thời nay, hình ảnh của người mất được thay cho thần chủ để thờ cúng nhưng cũng tuân theo quy định đến đời Cao Tổ thì xếp ảnh thờ đặt vào trong gia phả để làm tư liệu.
            Nếu mỗi người mất có một ảnh hay bài vị thì không gian bàn thờ tại mỗi gia đình không chứa đủ.
Vì vậy, bàn thờ chỉ nên đặt một bài vị tổng hợp hàm chứa nhiều thế hệ đã quá vãng vì tên họ cụ thể đã có trong gia phả đặt trên bàn thờ.

IV/ THỜ CÚNG TỔ TIÊN ĐÚNG THỨ BẬC
Thờ cúng Tổ tiên được luật hóa trong “Quốc triều hình luật” (còn gọi Lê triều hình luật, Luật Hồng Đức), thời Lê Thánh Tông (1460-1497), điều 339 ghi “con cháu phải thờ cúng (tổ tiên ông bà) năm đời và qua năm đời thì con cháu không thờ cúng” (Trích: Viện sử học, Quốc triều hình luật – NXB Pháp lý-1991, trang 146, 147)
Trải qua nhiều triều đại, nhiều thế kỷ, con cháu không những thờ 5 đời mà còn thờ nhiều đời trở về trước thể hiện lòng tri ơn liệt Tổ truyền sinh ra dòng tộc.
Tại hoàng cung, các triều đại phong kiến đều lập Thái miếu, Thế miếu, lăng mộ…Dân gian cũng kiến thiết từ đường của dòng tộc.
Thờ cúng Tổ tiên được chuyển hóa theo xu thế dung hòa, được truyền thừa tự nhiên như sau:
-Từ đường toàn tộc thờ cúng từ bậc Cao Tổ đến bậc cao nhất là Thủy tổ với những bài vị “vĩnh tế thần chủ”.
            -Gia từ thờ cúng trong quan hệ 4 đời, kể từ gia chủ theo  định ước khẩu truyền “Ngũ đại mai thần chủ” nghĩa là chôn cất bài vị đời thứ 5 (tức ông bà Cao Tổ), không thờ cúng nữa.
            Đời
Xưng hô từ ngữ Hán Việt
Xưng hô từ ngữ thuần Việt
Đời thứ 1
Bản thân, gia chủ
Mình
Đời thứ 2
Hiển khảo tỷ,
Phụ mẫu
Cha mẹ
Đời thứ 3
Tổ khảo tỷ, Nội tổ
Ông bà Nội
Đời thứ 4
Tằng tổ khảo tỷ
Ông bà Cố
Đời thứ 5
Cao tổ
Ông bà Tổ
           
Tín ngưỡng dân gian theo quan niệm “Nhân sinh bách tuế vi kỳ” (Hạn kỳ con người sống 100 năm).
Mỗi thế hệ tính từ 25 năm đến 30 năm, thì trong 100 năm, Tằng tổ vẫn còn sống để dạy bảo, ban phát của cải, nuôi dưỡng Tằng tôn và ngược lại Tằng tôn vẫn được chăm sóc, phụng dưỡng Tăng tổ. Đó là hạnh phúc cao quý của một gia đình “ 四 代 同 堂 Tứ đại đồng đường”.
 Tuy nhiên, mối quan hệ trên không khắng khít bằng quan hệ cha mẹ trực tiếp nuôi dưỡng.
Do vậy, theo thông lệ, đám giỗ ông bà Cố, ông bà Nội tổ chức gọn nhẹ hơn so với đám giỗ chính là cha mẹ.
Từ Cao tổ không còn cúng giỗ tại gia đình vì các vị Cao tổ mất quá lâu. Có nhiều người không còn nhớ tên ông bà Cao tổ của mình vì chỉ được truyền miệng và không ghi chép thành gia phả, nhưng quan trọng hơn vì họ chưa có “tâm” hướng tìm cội nguồn bản thân.
Các đời từ Cao Tổ trở lên được hợp tự cố định vĩnh viễn tại từ đường Thủy tổ của dòng tộc). Vong hồn chư Tổ ấm cúng, con cháu hoan hỉ yên lòng.
Con người sinh ra phải có nguồn cội theo từng thế hệ như cây có gốc, nước có nguồn.
Tuy nhiên, nhiều tộc họ không xây dựng từ đường, không lập gia phả, chưa biết về nguồn cội thì thờ cúng các vị Cao tổ trở lên tại gia từ .
Trong trường hợp mù mờ đó, ngoài các bài vị thờ 4 đời, một số nơi đã thiết lập bài vị có nội dung tổng hợp, không phân biệt xuất xứ dòng tộc.
Ví dụ: Tộc Nguyễn, thiết lập bài vị, ghi:                      
阮 門 堂 上 歷 代 尊 灵
Nguyễn môn đường thượng lịch đại tôn linh
(Tôn linh cha mẹ tộc Nguyễn trải qua nhiều đời)
            Xét theo nội dung danh xưng, bài vị này là tập hợp rất đông đảo mỗi thế hệ cha mẹ của những ai mang danh xưng tộc Nguyễn. Vì vậy, bài vị này không thể kể hết số lượng người.
Nếu là tộc Nguyễn thì ghi rõ Tổ quán hoặc nguyên quán xuất phát của dòng họ để thể hiện giới hạn cần thiết.
Người gia chủ không có chức năng và điều kiện thờ cúng nhiều cấp như vây, thiếu tác dụng. Vì vậy, gia đình nên tìm hiểu cội nguồn, lập gia phả để phụng thờ chính xác Tổ tiên mình, không nên thờ chung chung, thiếu địa chỉ cụ thể.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét