Gần đây tôi có dịp quen biết một người phụ nữ khá lớn tuổi, bà này
thường tỏ ra thương hại bạn bè khi thấy họ lúc nào cũng bận tâm lo lắng
đến tiền bạc, ngay cả lúc mà cái chết đã gần kề. Bà bảo rằng: "Chưa hề có ai thấy một chiếc két sắt đặt trên một cỗ quan tài bao giờ cả !".
Như vậy thì chúng ta sẽ nên lưu lại cho con cháu
mình những gì bây giờ? Hình ảnh tốt đẹp của chính mình ư? Hay là để lại
của cải vật chất, và biết đâu sẽ tạo dịp cho chúng cấu xé nhau? Tốt
hơn hết là nên lưu lại cho con cháu mình một nguồn cảm ứng, một cách
nhìn về mọi sự vật chung quanh với một ý nghĩa nào đó hầu giúp mang lại
cho chúng một niềm tin trong cuộc đời sau này.
Của cải cũng có thể được sử dụng như một phương tiện để giúp đỡ
người khác hầu mang lại cho mình một cuộc sống có ý nghĩa. Thế nhưng
đồng thời của cải cũng thật nguy hiểm, vì nó có thể mang lại cho ta một
cuộc sống thật tồi tàn, gây ra lắm thứ thiệt hại cho người khác. Của
cải cũng chỉ là một công cụ, người ta có thể sử dụng nó để xây dựng
hoặc để hủy hoại: nó có thể giúp mang lại sự an vui và hào phóng, hoặc
cũng có thể tạo ra vô số chướng ngại chẳng hạn như tham lam, kiêu căng,
cảm tính bất thỏa mãn, và đấy là những gì ngăn chận không cho chúng ta
tìm thấy những niềm hạnh phúc đích thực.
Các công cuộc nghiên cứu về xã hội học cho thấy ngày nay con người
không hề cảm thấy sung sướng hơn so với năm mươi năm về trước, mặc dù
thu nhập bình quân trên mỗi đầu người đã tăng lên gấp đôi. Richard
Layard, Giáo sư Trường Kinh tế Luân Đôn (London School of Economic) có
nói như sau: "Chúng ta có nhiều thực phẩm hơn, nhiều quần áo hơn, nhiều
xe hơn, sống trong những ngôi nhà rộng hơn, có lò sưởi ấm, có dịp du
lịch ngoại quốc, làm việc ít hơn, có nhiều thì giờ giải trí hơn, y tế
tốt hơn, tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta hạnh phúc hơn. Vậy nếu
muốn có hạnh phúc thì nhất thiết phải hiểu rõ đâu là các nhân tố đích
thực mang lại hạnh phúc và phải kiến tạo chúng như thế nào".
Một điều hết sức rõ ràng là nếu những người sống dưới mức nghèo đói
có thể tìm được thêm một chút thu nhập thì họ cũng có thể cải thiện được
cuộc sống của mình rất nhiều. Thế nhưng đối với những người đang sống
bên trên cái mức nghèo đói đó thì nhiều công cuộc nghiên cứu đã cho
thấy rằng dù của cải của họ có gia tăng gấp đôi hay gấp ba thì họ cũng
không hề cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống của họ.
Tiền bạc không mang lại hạnh phúc... trừ trường hợp được mang ra để bố thí.
Hơn nữa, một số nghiên cứu đã cho thấy nếu sử dụng đồng tiền vì
người khác thì nó sẽ mang lại hạnh phúc cho mình. Thật vậy, luôn có một
sự tương quan chặt chẽ giữa lòng vị tha và hạnh phúc. Nhiều công trình
nghiên cứu còn cho thấy là hành động cho mang lại nhiều xúc động tốt đẹp hơn so với việc nhận.
Bà Elisabeth Dunn, người đầu đàn của một nhóm chuyên gia nghiên cứu[i]
để ước tính mức độ hài lòng giữa những người xài tiền vì sự ích kỷ của
mình và những người đem của cải để giúp đỡ người khác vì lòng vị tha,
đã tuyên bố như sau: "Chúng tôi nhận thấy những người sử dụng đồng tiền
vì người khác đều là những người thật sung sướng. Sự sung sướng đó
không nhất thiết chỉ nhận thấy nơi những người có lòng bác ái rộng lớn
mà nó còn thoát ra từ một cử chỉ thật khiêm nhường với 5 đô-la trong
tay" (đối với quê hương của những người đọc được những dòng chữ này
thì cũng chỉ cần 50 xu cũng đủ để giúp cho một người nghèo khó mua
được một đĩa cơm trắng).
Các công cuộc nghiên cứu của Martin Seligman, một nhà tiên phong
trong lãnh vực "Tâm lý học tích cực", cũng cho thấy là niềm hân hoan
phát sinh từ một nghĩa cử bất vụ lợi luôn mang lại một sự hài lòng thật
sâu xa. Để kiểm chứng cho giả thuyết này, ông ta chọn hai nhóm học
sinh: một nhóm cho đi chơi thỏa thích và một nhóm thì tham gia vào các
sinh hoạt từ thiện. Sau đó ông ta yêu cầu mỗi học sinh viết ra những
cảm nghĩ của mình. Kết quả thật hết sức bất ngờ và xúc động: sự thích
thú mang lại từ các sinh hoạt vui chơi (đi chơi chung giữa bạn bè với
nhau, xem hát, ăn kem...) thật hết sức thấp so với những gì mang lại từ
các sinh hoạt từ tâm. Thật thế, thực hiện một cử chỉ phát xuất tự nhiên
từ lòng tốt của mình, dù đấy chỉ là một cử chỉ thật nhỏ, cũng đủ để
làm thay đổi phẩm chất của ngày hôm ấy trong cuộc đời mình; các học
sinh tham gia vào các sinh hoạt từ thiện cho biết trong ngày hôm ấy
chúng biết chú tâm hơn, cảm thấy mình khả ái hơn, và mọi người chung
quanh đều yêu quý mình hơn. Lòng vị tha nào có bắt chúng ta phải "hy
sinh" thật khủng khiếp đâu, thế nhưng lúc nào cũng mang lại thật nhiều
lợi ích cho người khác và cho cả chính mình.
Bures-Sur-Yvette, 21.08.11
Ricard Matthieu - Hoang Phong chuyển ngữ
Cám ơn anh bạn Gabs đã vẽ tặng cho blog hai tấm hí họa trên đây.
(Tài liệu: http://fr.tree2share.org/article-1338-on-n-a-jamais-vu-de-coffre-fort-sur-un-corbillard.-matthieu-ricard)
[i] E.W. Dunn, L.B. Akin, M.I. Norton. "Spending Money on Others Promotes Happiness", Science, 21 March, 2008.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét