Người xưa có câu “ẩm thủy đương tư tuyền
nguyên đầu, thực mễ đang tư nông canh khổ, hữu tiền đang tư vô tiền
thời, kiện khang đang tư phụ mẫu ân”, dịch nghĩa “khi uống nước thì
phải nhớ đầu nguồn suối, ăn cơm phải nhớ lúc cày cấy vất vả, giàu có
phải nhớ lúc nghèo khổ, khỏe mạnh phải nhớ đến ân của cha mẹ”.
Người ta sinh ra có được sinh mệnh, được
sống đến ngày nay là nhờ vào tổ tiên. Tổ tiên giống như gốc cây đại
thụ nuôi dưỡng để cành lá khỏe mạnh xanh tươi, tượng trưng cho con cháu
phát triển. Vì vậy, nếu không có tổ tiên duy trì nòi giống truyền từ
đời này sang đời khác thì cũng không có con cháu ngày nay. Tục thờ cúng
tổ tiên chính là sự ghi nhớ công ơn và là cách để chăm chút cho cái
gốc của mình, gốc có tốt thì cây mới phát triển ra hoa kết trái. Người
ta thường nói, tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu là như vậy.
Ngoài ra, trong lịch sử tín ngưỡng người
Việt, thờ cúng thần linh đã có từ lâu đời, do cuộc sống dựa chủ yếu
vào tự nhiên nên người xưa lập đàn kính tế quỷ thần, mong giảm bớt
thiên tai đem đến phúc lộc. Dễ dàng nhận thấy ngoài các ngôi đền lớn
nhỏ ở khắp các địa phương thì ngày nay trong nhiều gia đình vẫn có bát
hương thờ thần Phật để tiêu tai nạp phúc, sự nghiệp thuận lợi, hưng
vượng nhân đinh, là nơi gửi gắm niềm tin của cả gia đình.
Thần Phật được thờ trong nhà giống như
người khách quý nên người ta thường đặt ban thờ thần Phật ở sảnh giữa
nhà, áp lưng vào tường vững chắc hoặc để chung với bàn thờ gia tiên.
Cho dù đặt riêng hay đặt chung với bàn thờ gia tiên thì cũng đều có
những nguyên tắc cần tuân thủ: Gia tiên là chủ nhân, thần minh là khách
quý, có thể chấp nhận có chủ nhân nhưng không có khách, không được có
khách mà không có chủ. Nếu vừa có chủ vừa có khách cùng chung một bàn
thờ là lý tưởng nhất.
Nhưng cũng không phải tùy tiện thích đặt
thế nào thì đặt vì vậy, người xưa cho rằng chỉ cần nhìn vào nơi thờ
cúng của gia đình cũng có thể biết gia chủ có tâm hay không. Cái tâm ở
đây không được đo bằng mâm cao cỗ đầy, vàng mã bao nhiêu mà là ở vị trí
đặt bàn thờ, cách sắp xếp bàn thờ ra sao cho phù hợp, trang nghiêm và
sạch sẽ.
Quan niệm phong thủy thì cho rằng bàn
thờ là nơi linh khí quy tụ, là chỗ để người trên dương thế liên hệ với
người đã khuất, người chết thì thành thần, thần lại là trung gian giữa
trời với người. Từ đó có thể thấy, khí trường của ban thờ ảnh hưởng rất
lớn đến người trong nhà. Ban thờ sắp đặt đúng cách không chỉ khiến
người đã khuất an định mà ở lại coi sóc phù hộ gia đình, nên ban thờ
cũng có những quy tắc nhất định.
Sắp đặt ban thờ theo quan niệm phong thủy
Ban thờ nên quay ra cửa chính, không nên
ngược với hướng nhà có thể gây âm dương tương phản, dễ gây bất trắc,
nô bộc phản bội hoặc con cái không hiếu thuận, tài vận và gia vận bị
ảnh hưởng. Ban thờ thần Phật thì nên đặt ở hướng chính hoặc quay bên
trái, bên phải. Ban thờ gia tiên tốt nhất nên đặt ở tầng một, gian
chính giữa nhà, quay ra cửa lớn để khi vừa mở cửa vào đã nhìn thấy gia
tiên, tiện bề chăm sóc.
Số lượng thần Phật phải là số dương, do
thần Phật thuộc dương vì vậy phải dùng số lẻ, không nên thờ cùng lúc
quá nhiều thần Phật, hoặc thờ cùng lúc hai thần xung khắc nhau có thể
gây loạn linh khí khiến người trong nhà tinh thần bất an, dễ gặp tai
họa. Nếu có đặt tượng thần Phật mà tượng ấy lại bị nứt thì nên nhanh
chóng thay mới do tà khí có thể xâm nhập vào.
Ban thờ có thờ chung thần Phật và bài vị
tổ tiên thì thần Phật đặt ở bên trái, tổ tiên đặt ở bên phải, nếu đặt
ngược lại sẽ gây âm thịnh dương suy không tốt cho phong thủy, trong nhà
dễ gặp thị phi kiện tụng, bệnh tật không dứt. Thông thường người ta
đặt nơi thờ cúng tổ tiên trước rồi mới đến thần Phật.
Tổ tiên được coi là chủ, thần Phật được
coi là khách quý, nếu mời thần Phật trước rồi mới mời tổ tiên người xưa
cho rằng như vậy khiến tổ tiên nhà mình không dám vào cửa. Bài vị tổ
tiên cũng không được đặt cao hơn của thần Phật. Ban thờ phải có chỗ dựa
lưng, tức kê sát vách tường để linh khí được hội tụ không bị tản mát
Bát hương thờ tổ tiên nên có tay cầm,
bát hương thờ thần không nên có tay cầm. Vật liệu bát hương tốt nhất là
dùng bằng sứ, sau đó đến đồng, không nên dùng đá hoa cương.
Bóng đèn phía trước không nên xung với
ban thờ, không nên dùng đèn chiếu. Ban thờ cũng không đặt ở vị trí dưới
xà nhà, nếu không có vị trí tốt hơn thì phải làm trần, ngoài ra bên
trên không được có máy móc như máy điều hòa, máy hút mùi, loa đài.
Số lượng thờ thần Phật nhiều nhất là 3,
không nên quá nhiều dễ gây bất an. Bát hương nên dùng hình tròn không
có chân đế, chất liệu bằng sứ là tốt nhất. Bát hương thông thường không
nên quá đầy tro, ngày 15 âm hàng tháng có thể rút bớt chân hương cho
sạch sẽ.
Bát hương thờ thần Phật nên cao hơn bát
hương thờ tổ tiên, khi cắm hương thì nén hương nên cao hơn mắt người.
Khi đốt hương chỉ nên đốt một que, nếu có điều cần khấn nguyện thì đốt
ba que, không nên đốt nhiều hơn dễ khiến tà linh theo vào nhà. Vật phẩm
thờ cúng cũng cần chú ý một số điểm sau: thờ Phật và Quan Âm chỉ được
dùng đồ chay do nhà Phật không ăn đồ tanh; thờ thần chủ yếu dùng hoa
quả và phải là số lẻ 1, 3, 5, nếu cúng tổ tiên thì số lượng là hai chữ
số.
Những điều cấm kị khi sắp xếp ban thờ
Người xưa quan niệm có rất nhiều cấm kị
tại vị trí đặt ban thờ: Không được dựa vào trụ nhà, không được có cửa
sổ bên cạnh (do không thể tụ được khí). Ban thờ cũng không được áp lưng
vào nhà bếp vì có thể khiến chủ nhân dễ bị kích động, tính tình thất
thường, nóng nảy, có bệnh về cột sống.
Phía sau ban thờ đặc biệt không được có
nhà vệ sinh, nhà tắm do có âm khí và xú khí nặng, theo phong thủy dễ
khiến “chư thần thoái vị”, chủ nhà dễ bị trúng phong, gặp ác mộng, đau
lưng. Sau bàn thờ cũng không được có thang máy, cầu thang, nếu không
chủ nhân dễ bị tán tài, thương tật ở lưng.
Bàn thờ không được đối diện với lò, bếp,
nhà vệ sinh, kể cả hướng lệch sang bên cũng không tốt. Nếu không còn
vị trí nào khác để đặt ban thờ thì nên lấy bình phong che lại. Phòng
thờ không nên đặt ở nền đất vốn trước đây là nhà bếp, nhà vệ sinh do
chất đất không tốt. Trên ban thờ kị đặt các vật linh tinh, dao kéo,
thuốc men, không được dùng tủ thờ làm nơi cất giữ đồ đạc hoặc bể cá, vô
tuyến, loa đài.
Vật liệu làm bàn thờ nên sử dụng gỗ long
não, đàn hương và nên điêu khắc thủ công là tốt nhất do các loại gỗ
này tránh mối mọt, có thể sử dụng từ đời này sang đời khác.
Trên bàn thờ không nên đặt chậu cây cảnh
mà chủ yếu dùng hoa tươi để thờ phụng, không nên dùng hoa nhựa. Chủ
nhà thường xuyên vệ sinh khu vực xung quanh, nên thắp hương vào sáng và
tối. Người xưa quan niệm rằng nếu khói hương bay thẳng lên là tốt, nếu
cuốn thành vòng tròn hoặc tản mát là có “ngoại linh đang tranh cướp”.
Nếu bát hương bàn thờ thần tự nhiên bốc cháy là may mắn, nếu bát hương
thờ tổ tiên cháy là điềm báo hung.
Nếu ban thờ của nhà có thờ cả họ nội và
họ ngoại thì họ nội đặt bên trái, họ ngoại đặt bên phải, nhưng phải
dùng vạch sơn màu đỏ phân chia rõ ràng hoặc dùng tấm vách ngăn sơn đỏ
để tránh tranh chấp nhau.
Ban thờ không nên treo trên không, không
có chỗ dựa lưng hoặc trên đường đi. Sở dĩ có quan niệm này vì người
xưa cho rằng ban thờ là nơi cần được hội tụ linh khí, khí trường bàn
thờ sung mãn có thể khiến toàn gia đình được an lành hạnh phúc. Nếu ban
thờ treo trên không, không có chỗ dựa lưng hoặc ở nơi đi lại dễ khiến
người trong nhà bất an, gia vận trồi sụt khó đoán.
Ban thờ không được xung với đường đi:
Ban thờ bị đường đi đâm thẳng vào dễ gây bất an tổn hại đến cung tài
lộc, nhân đinh của gia đình, dễ gây tai nạn ngoài ý muốn hoặc bệnh tật
tấn công.
Ban thờ ngược với hướng nhà dễ khiến
người trong nhà bất hòa, dễ gặp bất trắc bệnh tật. Nếu đặt ở vị trí
quay sang trái hoặc sang phải nhà thì chủ nhân dễ có tâm sự phiền muộn
khó nói ra. Nếu ban thờ đối diện với nhà vệ sinh thì người trong nhà
gặp nhiều bệnh tật đau đớn.
Nếu ban thờ đối diện với nhà bếp dễ
khiến nguời trong nhà hay tranh cãi những việc nhỏ, tính tình nóng nảy.
Nếu phía trên ban thờ có xà nhà có thể khiến chủ nhân dễ bị đau đầu,
cuộc sống vất vả. Nếu đặt đối diện với cầu thang, chủ nhân dễ bị động
dao kéo, tai nạn đổ máu. Nếu đặt dưới cầu thang thì người trong nhà khó
có cơ hội phát triển. Nếu đặt trên nền đất lồi lõm không bằng phẳng có
thể khiến chủ nhân gặp khó khăn trong mọi việc. Nếu phía trên, dưới,
trái, phải ban thờ có cửa sổ thì chủ nhân dễ bị tán tài.
***
Ngày Tết là thời điểm quan trọng chuyển giao từ năm cũ sang năm mới,
mọi người đều dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết và cũng không được phép
quên trang hoàng nơi thờ cúng. Công việc này thông thường bắt đầu từ
ngày 23/12 âm lịch, thời điểm tiễn táo quân lên thiên đình bẩm báo công
việc ở hạ giới trong năm theo phong tục Việt Nam...
Tập tục thú vị về tiễn – đón Táo quân
Người xưa cho rằng ngày Tết hết sức quan
trọng do nó quyết định vận thế, sự nghiệp và tài lộc cho cả năm sau:
Táo quân cai quản khói lửa ở hạ giới, lại thường ở trong bếp nên biết
hết chuyện hay dở của gia đình trong cả năm, sau khi nghe thông báo
xong Ngọc hoàng sẽ căn cứ vào đó để định đoạt, có thể là khen thưởng
cũng có thể là quở phạt.
Vì vậy, trước khi Táo quân lên thiên
đình người ta bày lễ cúng để Táo quân “nói tốt” cho nhà mình. Tục xưa
thường để bàn thờ, bài vị của Táo công treo trên tường nhà bếp, thần vị
làm bằng giấy vẽ hình táo quân và một bát hương, cúng vào buổi sáng và
buổi tối, nhưng ngày nay không còn phong tục này nữa.
Đồ cúng táo quân thông thường là các
loại kẹo bánh có vị ngọt, hi vọng thần ăn đồ ngọt sẽ không bẩm báo
những chuyện nhỏ nhặt với Ngọc đế. Sau khi cúng tế xong đem đồ ngọt bôi
quanh miệng bếp, tượng trưng miệng thần quân dẻo ngọt không bẩm chuyện
xấu của nhà mình với Ngọc hoàng. Nếu nhà có trẻ nhỏ thì cúng thêm một
con gà trống để mong đứa trẻ phát triển khỏe mạnh.
Khi cúng tiễn thần bếp, người ta thường
phải tắm rửa sạch sẽ, dùng muối, hoa, tinh dầu, lá bưởi hoặc các loại
lá thơm làm nước tắm, sau khi tắm xong thay quần áo sạch sẽ rồi mới
cúng.
Có tiễn thần thì cũng có đón thần, ngày
nay khi nghe thấy từ “đón thần”, có lẽ nhiều người liên tưởng đến đón
thần tài, nhưng thực ra đón thần ở đây lại là tập tục quan trọng hơn so
với tiễn thần. Sau khi Táo quân được tiễn lên trời để bẩm báo với Ngọc
hoàng, ngày 25/12 là ngày nghỉ, Ngọc hoàng sẽ dẫn quần thần xuống nhân
gian thị sát vì vậy ngày này hết sức quan trọng.
Người xưa quan niệm do ngày đó Ngọc
hoàng xuống hạ giới nên trong mọi người đều rất cẩn trọng về phẩm cách
của mình: Không đánh cãi chửi nhau, không nói bậy, không đòi – vay nợ,
không phơi quần áo… Tuy vậy đây chỉ là quan niệm ngày xưa, ngày nay hầu
như không còn nghi thức này nữa.
Sau khi tiễn Táo quân xong mọi người mới
bắt đầu được quét dọn, tục gọi là “quét tàn tinh” nhưng nếu năm đó nhà
có tang ma thì không được quét, kiêng khói bụi bay vào mắt người chết.
Việc quét dọn, kê lại đồ đạc lại toàn bộ nhà thường được thực hiện sau
khi tiễn ông táo là do lúc này các thần đã về trời bẩm báo công việc,
chỉ còn một số thần nhỏ ở lại “trực” để duy trì trật tự, nếu có xê dịch
làm đảo lộn đồ đạc thì cũng không mạo phạm đến thần.
Sau quét dọn mới đến phần “lau rửa”,
ngoài ý nghĩa làm vệ sinh môi trường xung quanh, lau chùi rửa sạch đồ
đạc trong gia đình còn có ý nghĩa quan trọng hơn đó là sự thanh tịnh
trong thâm tâm, phản tỉnh những sai lầm trong cả năm. Người xưa cho
rằng nếu chỉ chăm chút bề ngoài mà không coi trọng sự thay đổi hướng
thiện trong tâm hồn thì hiệu quả trừ bỏ những cái xấu của năm cũ có làm
cũng như không.
Đặc biệt là những người trong năm ấy gặp
nhiều sự cố phát sinh khiến công việc và cuộc sống không như ý muốn,
tự cho rằng mình gặp đen đủi, muốn tìm cách để thay đổi tương lai, hi
vọng năm mới tốt đẹp hơn sẽ nhân cơ hội này phản tỉnh cũng như tổng kết
sai lầm trong cả năm, rút ra kinh nghiệm để năm mới thuận lợi hơn.
Cách trang hoàng ban thờ trong ngày Tết
Phần quan trọng nhất là ban thờ tổ tiên,
do đây là nơi được coi là nơi linh thiêng, ngày thường không được tùy ý
động chạm di chuyển mà chỉ lau chùi sạch sẽ, người xưa cho rằng nếu xê
dịch sẽ làm kinh động đến chỗ của thần, thần không được an vị thì
không muốn ở lại lâu, không chăm sóc cho nhà mình được. Ngày nay do
thời gian có hạn hoặc một số kiêng kị không được lưu truyền trong dân
gian nên không còn nhiều người biết cách dọn ban thờ theo như phong tục
cổ nhân.
Trước khi dọn ban thờ, người xưa thường
phải tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên, sau đó thắp một nén
hương thông báo cho tổ tiên và thần linh biết ngày hôm nay sẽ thu dọn
ban thờ, mời tổ tiên và thần linh tạm lánh sang một bên để con cháu
thực hiện công việc. Sau đó gia chủ chuẩn bị một chiếc bàn bên trên
trải vải hoặc giấy đỏ để đặt bài vị, nếu bàn thờ có đặt chung bài vị
gia tiên với các thần thì phải để ra hai chỗ khác nhau, không được lẫn
lộn. Đợi sau khi hương cháy hết rồi mới bắt đầu công việc.
Khi lau rửa bài vị của tổ tiên thì phải
dùng nước ấm, không được dùng nước lạnh. Khi làm vệ sinh, nếu có bài vị
của thần Phật thì lau trước, sau đó đổ nước mới để lau bài vị của tổ
tiên, tuyệt đối không lau bài vị của tổ tiên trước. Người xưa quan niệm
như vậy là bất kính, mạo phạm với thần phật, thần phật có ngôi vị cao
hơn nên dễ khiến tổ tiên bị chèn ép.
Sau khi lau bài vị xong mới đến phần dọn
bát hương, công việc này cũng rất quan trọng, ngày nay đa phần mọi
người đều rút chân hương rồi cầm bát hương đổ hết tro ra ngoài, theo
người xưa như vậy rất dễ gây “tán tài”, vì vậy người ta dùng chiếc thìa
nhỏ xúc từng thìa đổ ra ngoài rồi mới rửa sạch bát hương đặt sang một
bên.
Khi bát hương khô ráo, nếu là bát hương
thờ thần phật thì dùng bảy tờ tiền vàng, bát hương của tổ tiên thì dùng
ba tờ tiền vàng đốt hơ quanh, cháy một nửa thì bỏ vào trong, đợi tiền
vàng cháy hết thì đổ tro vào một lần, như vậy gọi là “ra nhỏ vào lớn”, ý
là “tiền ra nhỏ giọt, tiền vào như thác đổ”, nếu lúc đầu đổ ra hết sau
đó múc từng ít một vào thì gọi là “vào nhỏ ra lớn”, tức “tiền ra thì
nhiều mà tiền vào thì ít”.
Ngày nay có nhiều người đem tro bát
hương đổ cũ ra sông, thay vào bát hương tro mới, nhưng người xưa thì
dùng chiếc rổ mắt nhỏ để lọc tro cũ, lọc xong lại đổ vào bát hương chứ
không đổ đi. Việc lọc tro cũng phải bắt đầu từ bát hương thờ thần phật.
Sau khi lau rửa sạch sẽ, người ta sẽ đem
bài vị thần Phật và tổ tiên đặt lại chỗ cũ và công đoạn này cũng rất
phức tạp. Trước hết phải chuẩn bị một chiếc lò nhỏ trong có đốt than
hoa, đặt dưới bàn thờ khoảng 15 phút, sau đó đốt bảy tờ tiền vàng làm
dấu hơ ở bốn hướng trên dưới trái phải, ý là dùng lửa để khai quang,
làm sạch, tiền vàng chưa cháy hết thì bỏ vào lò than hoa.
Đốt tiếp bảy tờ tiền vàng làm sạch vị
trí muốn đặt tượng/bài vị thần Phật và bát hương sau đó mới đặt các đồ
vật vào vị trí cố định. Sau khi đặt xong thì đốt 12 que hương cắm theo
thứ tự hướng thời gian, que thứ nhất cắm ở vị trí 1h, khi cắm thì đọc
“niên niên thị hảo niên”, tức mỗi năm đều là năm tốt; que thứ hai cắm ở
vị trí 2h, khi cắm đọc “nguyệt nguyệt thị hảo nguyệt”, tức mỗi tháng
đều là tháng tốt; cây thứ ba cắm ở vị trí 3h, khi cắm đọc “nhật nhật
thị hảo nhật”, tức mỗi ngày đều là ngày tốt; cây thứ tư cắm ở vị trí
4h, khi cắm đọc “thời thời vị hảo thời”, tức mỗi giờ đều là giờ tốt; cứ
tuần tự như vậy cho đến thời điểm vị trí 12h. Các vị trí bài vị, bát
hương của tổ tiên và bà tổ cô cũng làm như vậy.
Trên đây là tập tục của người xưa ghi
chép lại trong các thư tịch cổ, những công việc tỉ mỉ khi chăm sóc bàn
thờ gia tiên cũng là cách để tăng thêm phần không khí ngày Tết. Nhưng
ngày nay, do cuộc sống bận rộn nên không hẳn tất cả những tập tục trên
còn phù hợp. Xin nêu lại tập tục cổ nhân như một cách để bạn đọc tham
khảo, thêm phần hiểu biết về phong tục tập quán của người xưa trong
những ngày xuân đang tới với hi vọng mọi người sẽ gặp những may mắn
mới, thành công mới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét