Gốm
là một trong những phát minh quan trọng của tổ tiền ta từ ngàn đời nay,
đồ gốm đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của nhân dân ta. Với chí sáng
tạo và đôi bàn tay khéo léo của người thợ gốm, gốm cổ Việt Nam đã trở
thành một loại hình nghệ thuật mang tính dân gian sâu sắc.
Gốm truyền thống
Gốm
cổ truyền Việt Nam đã có cách đây sáu, bảy ngàn năm. Gốm xuất hiện
trong những di chỉ thuộc văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Hạ
Long… Rồi ta thấy trong di chỉ thuộc hậu kỳ đồ đá mới Phùng Nguyên, giai
đoạn Đồng Đậu, giai đoạn Gò Mun… Đồ gốm cổ truyền nước ta đã có những
bước phát triển cao và hết sức phong phú.
Trong
truyền thuyết, sự xuất hiện của đồ gốm, đồ sứ như một điều bí hiểm,
linh thiêng “Đồ gốm, sứ là loại chất bột nằm sâu trong lòng đất, ở những
nơi linh thiêng có ma quỷ canh giữ. Muốn khai thác được phải chọn ngày
lành tháng tốt. Lên tới mặt đất, nhờ ánh sáng chói lọi của mặt trời soi
dọi chất bột đó mới biến thành gốm, sứ…”
Thực
ra đó chỉ là truyền thuyết ly kỳ để tăng cái phần quan trọng của kỹ
nghệ gốm, sứ xa xưa. Thực chất hàng gốm, sứ ra đời nhờ đôi bàn tay khéo
léo và đầu óc sáng tạo của người thợ thủ công. Lịch sử Việt Nam, tập 1,
trang 38 có ghi: “Trong giai đoạn Phùng Nguyên, kỹ thuật tạo chế đồ đá
đã đạt đến trình độ cực thịnh. Những chiếc rìu, vồ đục… quy mô to nhỏ
khác nhau, được chế tạo bằng cách mài, cưa khoan, rất hoàn thiện. Những
vòng tay, hoa tai, hạt chuỗi… bằng đá được chau chuốt, tiện, gọt tinh
vi. Những loại hình đồ gốm (nồi, bát, cốc, vò…) có hình dáng đẹp, chắc,
khoẻ, phần nhiều đã được chế tạo từ bàn tay. Mặt ngoài đồ gốm phủ đầy
hoa văn trang trí với những đường vạch sắc sảo, những nét cong uyển
chuyển, mềm mại, được phối trí, đối xứng và hài hòa. Đó là một biểu hiện
về óc thẩm mỹ khá cao của người Việt Nam lúc bấy giờ….”
Vậy
là kỹ nghệ gốm giai đoạn Phùng Nguyên (cách ta gần 4.000 năm) ở nước ta
đã phát triển mạnh. Con người buổi đó đã biết nghĩ ra bàn xoay và chế
tạo ra thứ men để phủ ngoài, tăng thêm vẻ dẹp kỳ diệu của đồ gốm.
Đây
là một thời kỳ của nước Văn Lang. Cho tới thời Âu Lạc, kỹ nghệ gốm đã
phát triển mạnh lắm. Nghề nung gạch, làm ngói… cũng đã có từ ngày này.
Phải
nói thời cực thịnh của gốm sứ là thời kỳ Lý – Trần (thế kỷ XI – XIV).
Đó là những năm đất nước phồn thịnh, kinh tế mạnh mẽ, quân sự vững mạnh,
văn hóa phát triển, đất nước an bình, mọi kỹ nghệ được khuyến khích
phát đạt.
Nghề
gốm, xem ra phát triển rải rác khắp đất nước. Ở tỉnh nào cũng có những
vùng làm nghề gốm. Cứ ven các dòng sông, chúng ta gặp nhiều mảnh sành,
mảnh gốm còn vương sót lại. Hoặc chúng ta gặp những dãy lò gốm đang ăn
khói nghi ngút. Những trung tâm sứ gốm ở nước ta, xuất hiện từ thời Lý –
Trần mà đến nay vẫn còn hưng thịnh nghề nghiệp, đó là Bát Tràng (Hà
Nội), Thổ Hà, Phù Lãng (Bắc Ninh), Hương Canh (Vĩnh Phúc), Quế Quyển (Hà
Nam Ninh), Chum Thanh (Thanh Hóa)… Mỗi vùng quê gốm lại giữ kỹ nghệ
riêng biệt. Và mỗi nơi, lại có mặt hàng gốm đặc trưng riêng của mình,
tạo thêm cái đa dạng và phong phú của công nghệ gốm Việt Nam. Nếu nói
trung tâm gốm ở nước ta, phải nói tới Bát Tràng – Thổ Hà – Hương Canh.
Một đặc điểm riêng biệt và rõ nét nhất của nghề gốm là đều phát triển
dọc sát các triền sông. Bởi lẽ nó tiện đường chuyên chở, và đất sét dọc
các triền sông là thứ nguyên liệu quý để sản xuất gốm, sứ.
Gốm Bát Tràng ngày nay
Theo
tài liệu giới thiệu Lịch sử nghề gốm ở Thổ Hà của Ty Văn hóa Hà Bắc, và
tài liệu Tìm hiểu nghề gốm ở Bát Tràng, tư liệu đánh máy của Viện Mỹ
thuật, năm 1964, cho biết: Vào khoảng thời Lý – Trần có người đỗ Thái
học sinh (đặc biệt chức Thái học sinh thì mới có từ thời Trần) được cử
đi sứ nhà Tống (Trung Quốc) là: Hứa Vĩnh Kiều, người làng Bồ Bát (Thanh
Hóa), Đào Trí Tiến, người làng Thổ Hà (Hà Bắc), Lưu Phong Tú, người làng
Kẻ Sặt (Hải Dương). Cả ba ông này, khi đi sứ đã học được nghề sứ gốm.
Khi về nước, ba ông chọn ngày lành tháng tốt lập đàn ở bên sông Hồng làm
lễ truyền nghề cho dân làng. Công nghệ có được phân như sau: Ông Kiều
về Bồ Bát, ông Tiến về Thổ Hà, ông Tú về Phù Lãng, và:
- Làng Bồ Bát chuyên chế các hàng gốm sắc trắng.
- Làng Thổ Hà chuyên chế các hàng gốm sắc đỏ.
- Làng Phù Lãng chuyên chế các hàng gốm sắc vàng, thẫm.
Nửa
năm sau nghiên cứu, chế tạo thành công, ba ông lấy các đồ gốm do tay
mình chế được, dâng Vua xem. Nhà Vua thấy sản vật đẹp, liền khen thưởng
các quan sứ thần bốn chữ “Trung ái Quán Thế” và phong cho ba ông danh
“Khởi nghệ tiên triết”. Tục truyền, dịp này, dân làng ở ba nơi đều tế lễ
sầm uất và linh đình. Sau dâng ba tuần rượu, dân chúng nhảy nhót hoan
hô để biểu dương các ngài đem nghề về truyền cho dân. Sau khi ba ông
mất, dân chúng ba nơi đều tôn ba ông là “Tổ sư”, tức “Tổ nghề”.
Phường
gốm Bồ Bát sau có rời ra ngoài Bắc. Dọc theo con sông Hồng, tới một bãi
sông có đất thó trắng, họ dừng lại lập lò gốm ở đó, với tên gọi Bạch
Phường thổ, sau này đổi là Bát Tràng phường. Và ngày nay, ta quen gọi là
Bát Tràng.
Đồ
gốm thời Lý – Trần phát triển mạnh, nhiều ở số lượng và quý ở chất
lượng. Thịnh hành hai loại gốm chính, là: (1) Gốm trang trí kiến trúc,
thường là đất nung để mộc, hoặc phủ một lớp men có giá trị độc đáo. Ví
dụ như gạch có in hoa văn để trang trí với nhiều dáng hình, kích thước
khác nhau. Hoặc ngói bò có gắn đầu phượng, đầu rồng. Hoặc hình gốm trang
trí hình chiếc lá nhọn đầu để gắn trên nóc hoặc riềm nhà… (2) Còn như
gốm gia dụng, thì đủ thể loại. Nào bát đĩa, ấm, âu, chén, vại, chum, vò…
Đồ gốm thời kỳ này, ngoài ý nghĩa sử dụng trong nước, còn được xuất đi nhiều nước khác.
Lịch
sử từng ghi lại, từ đầu nhà Lý đã có nhiều nước tới buôn bán, trao đổi
hàng hóa với nước ta như Nam Dương, Xiêm La (Thái Lan)… Tới thế kỷ XII,
các thuyền buồm ngoại quốc cập bến nước ta càng đông. Năm 1149, Triều Lý
cho lập cảng Vân Đồn, để thuyền bè các nước vào ra buôn bán. Cho tới
nay, dọc hai bên bờ bến cảng Vân Đồn còn lại nhiều mảnh gốm của nhiều
thời đại ở Việt Nam sản xuất. Trong đó, có cả mảnh gốm men ngọc của thời
Lý. Vậy, đó chẳng là dấu tích để khẳng định hàng gốm của ta từ xưa đã
đạt trình độ cao đó sao?
Ở
nước ta, có thời người dân cứ sính đồ ngoại. Ví dụ: Mặt hàng gốm men
ngọc thời Lý của chính nước ta làm ra thì gọi là “gốm Tống” hoặc “đồ
Tống”.
Hiện
tại, ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn lưu
giữ được nhiều đồ gốm, đồ sứ các thời đại của nước ta. Đó là những dấu
tích để chứng minh kỹ nghệ phẩm ở nước ta sớm phát triển, và từ xưa,
nghề gốm ở nước ta đã chiếm địa vị quan trọng trong nền kinh tế, văn hóa
của dân tộc. Qua đây, chúng ta càng thêm yêu quý đôi bàn tay khéo léo
và bộ óc giàu sáng tạo của những người thợ gốm Việt Nam. Để hiểu sâu
thêm về nghề gốm, chúng tôi muốn giới thiệu một đôi nét về các kiểu lò
gốm và men gốm từ xưa ở nước ta.
Lò gốm xa xưa
Thực
ra, nguyên lý của lò gốm xưa và nay không khác nhau nhiều lắm. Nó vẫn
dựa trên nguyên lý cơ bản, cấu tạo gồm 3 phần: bầu lò, thân lò, hệ thống
ống khói. Chỉ có điều, lò gốm ngày xưa thì nhỏ bé và đơn giản.
Do
sự phân chia công dụng của mỗi loại lò, nên đã có tên gọi riêng cho lò
gốm: lò quan và lò dân. Sản phẩm lò quan chủ yếu phục vụ cung đình và
giao bằng quốc tế. Còn sản phẩm lò dân là những vật dụng thông thường
cho con người sinh hoạt hàng ngày như: cốc, bát, ấm, lò, lọ, chum, vại…
Theo lệ thường, sản phẩm ở lò quan bao giờ cũng được đầu tư kỹ thuật cao
hơn ở lò dân.
Theo
tài liệu của Đỗ Văn Ninh (Viện Khảo cổ) về việc khai quật khu lò nung
gốm sứ ở Bút Tháp (Thuận Thành) cho thấy: Khu lò nung gốm sứ này gồm 4
lò với cấu trúc kiểu lò tương tự giống nhau. Toàn bộ lò nhìn bên ngoài
có hình quả dưa, giữa phình rộng, hai đầu cụt. Kích thước đo được ở một
lò có hình thức bề thế và to lớn hơn ba lò kia, cho thấy: chiều dài 3,35
mét, chiều rộng nhất gần 2 mét. Như thế, quy mô của lò nung thời đó nhỏ
gọn.
Điểm
đáng chú ý là các lò gốm, hầu hết dùng nhiên liệu đốt bằng tre, gỗ;
nhiên liệu than chưa dùng vào thời kỳ này. Qua đây, nó thể hiện tiêu
chuẩn kỹ thuật nung thời đó và ý thức tự lực tự cường nguồn nguyên liệu
sẵn có ở địa phương rất cao.
Phần
khác, thấy rằng, cấu trúc lò rất đơn giản và sáng tạo; thợ đắp lò thời
xưa chỉ dùng đất sét mà đắp chứ chưa phải dùng tới gạch chịu lửa để cuốn
bầu lò và thân lò. Trong khi đó, ở Trung Quốc, lò sứ gốm thời Đường
không lớn lắm (thường dài 3 mét, rộng 2 mét), vậy mà đã phải dùng tới
gạch chịu lửa để xây cửa đốt và xây ống khói.
Cũng
theo tài liệu về khảo cổ học năm 1975 của Trần Đình Luyện (Sở Văn hóa
Bắc Ninh) cho chúng ta biết thêm về khu lò nung gốm, gạch ở Đông Yên
thuộc phần đất Bắc Ninh, nằm bên bờ sông Ngũ Huyện vào thời Lê Mạt. Cấu
trúc của lò có khác kiểu lò ở Bút Tháp. Đó là lò gốm hình tròn, có đường
kính 1,2 mét, tường lò đắp đất có lẫn mảnh sành gạnh nhỏ, dầy 1 mét,
chân tường choãi, bên trên thu nhỏ dần theo kiểu vòm cuốn. Bầu lò được
tạo hình phễu, đắp liền với tường lò, cũng bằng đất với bề dầy xấp xỉ
0,2 mét.
Qua
khảo cứu, lò gốm ở Đông Yên có phần tiến bộ hơn ở Bút Tháp. Song cứ dọc
tuyến tiến triển của các lò gốm qua các thời đại, ta thấy, cho tới đầu
thế kỷ XX này, các lò nung mới được cải tiến một bước lớn. Đó là chuyển
hình thức từ đun lò con cóc sang hình thức đun lò rộng nhiều bầu. Chuyển
dần thể thức đun tre gỗ sang đun than và đun dầu. Đó là những bước tiến
xa và khẳng định sức sống bất hủ của kỹ nghệ gốm thủ công.
Ngày
nay, với kiểu lò gốm hiện đại, người ta đã thiết kế kiểu lò vòng liên
hoàn. Đó là một hình thức của lò gạch tiên tiến. Người ta chỉ việc nhóm
lò một lần, và ngọn lửa lò cứ cháy truyền từ bầu lò này sang bầu lò kia,
ngọn lửa ấy cứ cháy mãi cho tới ngày lò hỏng. Những cải tiến văn minh
đó, là khởi nguồn từ chiếc lò gốm cổ thô sơ thuở xưa…
Men gốm thời Lý – Trần
Thời Lý – Trần là thời thịnh vượng của kỹ nghệ gốm. Vì thế, men gốm thời Lý – Trần phong phú là điều tất yếu.
Trước
thời kỳ này, một số đồ gốm ở dạng gốm mộc, không phủ men mà được bao
ngoài một lớp áo gốm, khâu phủ áo gốm không phải nơi nào cũng làm, nhưng
Thổ Hà và Phù Lãng đều có dùng tới áo gốm. Áo gốm là một dung dịch tổng
hợp giữa đất và chay, với công thức 4 đất 1 chay. Đất là gốm, giã nhỏ,
sàng lọc cẩn thận. Còn chay là một thứ đá có lẫn gỉ sắt ở ngay địa
phương. Chay cũng phải giã nhỏ, sàng lọc kỹ càng. Có hai thứ đất và chay
rồi, trộn lẫn, pha nước, hòa tan thành một dung dịch. Tất cả các đồ gốm
trước khi đem nung được nhúng vào dung dịch này, tạo ra một lớp áo gốm.
Nếu cứ thế đem nung lên, là có gốm đẹp rồi. Hoặc giả, muốn phủ men
ngoài thì ta phủ men lên lớp áo gốm.
Hãy làm quen với ba loại men gốm tiêu biểu thời Lý – Trần. Đó là gốm men ngọc, gốm hoa nâu, gốm hoa lam.
Gốm men ngọc: Khi
đã có xương gốm tốt, người ta phủ ngoài một lớp men dày màu xanh mát,
trong bóng như thuỷ tinh, do đó mới gọi là gốm men ngọc. Đồ gốm men ngọc
ở ta rất giá trị, được trong và ngoài nước ưa chuộng. Người ta thường
sánh gốm men ngọc của ta với đồ gốm Long Tuyền thời Tống của Trung Quốc.
Gốm
men ngọc thời Lý thường tạo xương gốm mỏng, thanh. Tới thời Trần, thì
phần xương gốm chắc, dầy hơn. Hoa văn trang trí trên gốm, đa phần là
hình tượng hoa sen cách điệu. Ngoài ra còn một số đề tài khác, như trang
trí hoa thảo và các hoa dây chạy quanh bình gốm. Có ba hình thức trang
trí trên đồ gốm: hoa khắc, hoa in và hoa đắp. Hoa in chìm hoặc đắp nổi
thì dùng khuôn, còn hoa khắc thì đùng mũi dao đầu nhọn hoặc một đầu
thanh tre vẽ lên xương gốm khi đất còn mềm. Khắc hoa rồi đem nhúng vào
men, men đọng lại và tạo ra các hình hoa văn trang trí rất đẹp. Bên cạnh
các đồ gốm men ngọc cầu kỳ và tinh xảo đó, người thợ thủ công còn sản
xuất một số đồ gốm đại trà, có khi để mộc, có khi phủ lớp men mỏng màu
vàng, màu nâu, hoặc màu da lươn mà xỉn màu và ít bóng. Loại gốm này để
sử dụng thông dụng và ngay khi nung, người ta nung từng chồng cao.
Thời
Lý, đồ gốm hầu như không viết chữ. Tới thời Trần, ta thường thấy dưới
trôn các loại đồ gốm có hàng chữ mầu nâu “Thiên Trường phủ chế”.
Gốm hoa nâu: Đó
là loại gốm đàn, kiểu dáng to, chắc chắn, cốt gốm dầy và thô. Bên ngoài
có phủ lớp men trắng ngà hoặc vàng nhạt. Gốm hoa nâu xuất hiện vào cuối
thời Lý đầu thời Trần.
Hình
thức trang trí hoa văn trên gốm hoa nâu thường là hoa dây chạy viền
quanh miệng đồ gốm. Đặc biệt, hầu hết các sườn gốm hoa nâu có đắp nổi
hình hoa thảo, chim cò, thú bốn chân, hoặc tôm cá… rất sinh động. Các
hình rồng trang trí ở gốm hoa nâu thời Trần có khác thời Lý. Đó là mình
rồng khỏe mập, uốn khúc thoải mái, khác hẳn con rồng thời Lý thân hình
thanh mảnh và uốn khúc gò bó.
Gốm hoa lam: là tên một hoại gốm phủ men trắng đục vẽ trang trí màu lam .
Để
có màu men đẹp, điều cần thiết phải có cốt xương gốm tốt. Xem ra, thông
thường thì xương gốm là đất sét có pha cát. Nếu gốm cổ, lại pha cả một
số tạp chất khác như rơm, rạ, trấu hoặc lá cỏ dại để tăng độ liên kết.
Làng gốm Bát Tràng
Đã
từ lâu đồ gốm sứ Bát Tràng là mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Theo các
nhà khảo cổ, thì ngay thời Lý, thời Trần, sứ Bát Tràng đã được xuất đi
nhiều nơi như: Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Bồ Đào Nha, Pháp…
Ca dao cổ có viết:
” Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây “
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây “
Theo truyền thuyết, người làng Bồ Bát (Thanh Hóa) từ thời Lý, ra Thăng Long lập nên phường gốm Bát Tràng ven bờ sông Hồng.
Đầu tiên, làng có tên Bạch Thổ Phường, rồi đổi tên là Bát Tràng Phường,
mãi sau này mới gọi là Bát Tràng. Nghề gốm ở đây hưng thịnh suốt từ
thời Lý, thời Trần. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi có ghi: “Làng Bát
Tràng làm đồ gốm. Làng Huê Cầu nhuộm vải thâm….”. Cũng theo sách Dư địa
chí còn ghi “Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm – Huê Cầu thuộc huyện Văn
Giang, hai làng ấy cung ứng đồ bang giao với Trung Quốc là bảy mươi bộ
bát sứ, hai trăm tấm vải thâm…”.
Đã từ lâu đồ gốm sứ Bát Tràng là mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Theo
các nhà khảo cổ, thì ngay thời Lý, thời Trần, sứ Bát Tràng đã được xuất
đi nhiều nơi như: Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Bồ Đào Nha, Pháp… Qua
khai quật ở cửa cảng Vân Đồn (Quảng Ninh), phố Hiến (Hưng Yên)…, ta còn
gặp rất nhiều hiện vật gốm sứ Bát Tràng. Gốm Bát Tràng từ xưa đã có một
phong cách đặc biệt, không lẫn với gốm sứ các địa phương khác.
Các
mặt hàng gốm men ngọc, men hoa lan, men rạn của Bát Tràng rất đặc biệt.
Như bát, đĩa, đôn, chậu, thống, chân đèn… của Bát Tràng từ xưa đã có
một phong cách đặc biệt, không lẫn với gốm sứ Thổ Hà, Phủ Lãng, Hương
Canh…
Từ
thời xa xưa cho đến ngày nay, Bát Tràng vẫn luôn có hàng trăm lò gốm
nhả khói. Cuộc sống lao động sản xuất thương mại ở đây, từ bao đời, vẫn
luôn sôi động. Bến sông thuyền bè tấp nập chở than, củi, đất sét là
nguyên liệu sản xuất đến Bát Tràng. Cùng hàng loạt thuyền bè chở sản
phẩm gốm từ Bát Tràng đi các tỉnh gần, tỉnh xa. Vào làng, trong bất kỳ
ngõ xóm nào, đều thấy tất bật người làm đất, người chuốt hình, người
tráng men, người chuyển sản phẩm vào lò, người ra lò. Sản phẩm gốm bề
bộn, bày biện trong nhà này, nhà kia, ngõ này, ngõ nọ. Bát Tràng là một
công trường thủ công sôi động bậc nhất của đất Thăng Long xưa và nay.
Là
làng nằm ven sông, nguồn đất làm gốm ở đây phải đi khai thác từ Sơn
Tây, Phúc Yên, Đông Triều về. Nguồn đất sét ở Hồ Lao, Trúc Thôn rất tốt,
sét trắng, mịn, chịu nhiệt cao.
rất
được ưa chuộng trên thị trường hiện nayChỉ cần nói riêng công đoạn xử
lý đất sét để làm gốm sứ ở Bát Tràng đã thấy lắm công phu. Đất sét chở
về, được đổ ngâm vào hệ thống bể chứa bể lọc. Đất sét được ngâm trong
nước một vài tháng cho phân rã, tới độ chín, đánh tơi, nhuyễn trong bể
chứa, đoạn tháo xuống bể lọc cho lắng, lọc tạp chất hữu cơ nổi trên hớt
bỏ. Phần đất sét nhuyễn, sạch lắng dưới được chuyển sang bể phơi, bể ủ.
Tới đây, đất sét trắng, mịn, sánh như bột gạo, mới đem lên sản xuất gốm
sứ được.
Dụng
cụ sản xuất chính của lò gốm cổ là cái bàn xoay. Bàn xoay được chôn
xuống đất, người thợ ngồi chân đạp bàn xoay, tay buông bắt từng thỏi
đất, chuốt lên thành bình, thành lọ, bát, đĩa. Tay người thợ như có ngữ,
họ làm thủ công, vậy mà các sản phẩm có độ giống nhau khá cao, như có
khuôn dập. Mãi sau này, kỹ nghệ làm đất sét thật nhuyễn, rồi rót vào
khuôn thạch cao để tạo nên các sản phẩm gốm mộc, đã là cuộc các mạng kỹ
thuật với làng gốm. Hiện tại, số hàng gốm chuốt tay ở Bát Tràng còn duy
trì, song ít. Đa số hàng rót khuôn, vì thế tạo năng suất rất cao cho
thôn xóm.
Khi
gốm mộc được phơi khô, chuyển qua công đoạn vẽ và tráng men. Người thợ
gốm Bát Tràng có hoa tay vẽ hoa lá, chim muông, người vật để trang trí
lên đồ gốm tăng vẻ đẹp. Men gốm Bát Tràng xưa nay được xếp hàng nhất so
với các vùng gốm khác ở nước ta. Men ngọc, men hoa lam, men rạn… là
những men truyền thống của Bát Tràng. Bí quyết pha men ở đây không dễ gì
thợ gốm nơi khác bắt chước được.
Qua
từng gia đoạn sản xuất, người thợ Bát Tràng lại cải tiến tạo nên nhiều
kiểu lò nung gốm thích hợp. Từ kiểu lò cổ truyền xưa là lò ếch, tới lò
dàn, lò bầu, lò hộp… mỗi loại lò nung lại thích hợp với từng loại sản
phẩm khác nhau. Nguyên liệu để nung lò cũng được thay đổi theo tưng giai
đoạn. Từ việc đốt lò bằng cỏ khô, rồi tiến tới củi, than đá, nay có lò
thí nghiệm đốt bằng điện, bằng ga, đã dần nâng cao chất lượng sản phẩm
và hạ giá thành.
Ngày
nay, khoa học kỹ thuật đã được áp dụng nhiều khâu trong sản xuất gốm,
song riêng khâu đốt lò vẫn còn giữ nhiều tín ngưỡng. Ngày giờ đốt lò, ra
lò, là những ngày thiêng liêng với thợ gốm. Kỹ thuật đốt lò quyết định
chất lượng sản phẩm gốm sứ.
Ca
dao cổ có nói về gạch Bát Tràng, đó là những viên gạch lớn được xếp làm
bao thơi trong lò. Vì được làm từ chất đất sét tốt, được nung trong lò
chín đều, nên những viên gạch Bát Tràng ngày xưa rất nuột, chín già.
Gạch Bát Tràng xưa thường được dành để xây đình, xây chùa, bó quây bờ
giếng, bờ ao làng. Những viên gạch tốt, xây trần, chịu mưa nắng bao năm
trời, không rêu, không xói mòn, đủ biết kỹ thuật của người thợ gốm ra
sao.
Làng gốm ven Sông Cầu
Làng
gốm Thổ Hà thuộc vùng Kinh Bắc, nằm ven dòng sông Cầu. Con sông từ thuở
nào đã đi vào lời ca “nước chảy lơ thơ…”. Giữa một vùng đồng bằng trù
phú, nơi nhiều nghề phụ, xứ sở của quan họ, làn khói những lò gốm đã bay
khoan thai tự bao đời…
Thơ ca cổ, có rất nhiều vần thơ, bài thơ hay ca ngợi vẻ đẹp và sự trù
phú của làng gốm ven sông. Ở đây tôi muốn trích ra một khổ thơ viết về
làng gốm Thổ Hà của một nhà thơ. Đó là khung cảnh làm ăn tấp nập và sầm
uất:
“Làng gốm cữ này đang độ lửa
Khói cỏ de thơm khắp cả làng
Thuyền đinh khoang nặng đang rời bến
Thanh Nghệ xuôi vào, Tuyên Thái sang…”
(Làng gốm Thổ Hà – Vũ Quần Phương)
Làng
gốm Thổ Hà thuộc vùng Kinh Bắc, nằm ven dòng sông Cầu. Con sông từ thuở
nào đã đi vào lời ca “nước chảy lơ thơ…”. Giữa một vùng đồng bằng trù
phú, nơi nhiều nghề phụ, xứ sở của quan họ, làn khói những lò gốm đã bay
khoan thai tự bao đời.
Trong Kinh Bắc phong thổ ký diễn quốc sự thời Lê có viết:
”Mã Đông Hồ gấm thêu hoa quyện
Cày làng Lê dựng nghiệp nông gia
Chĩnh chum thời có Thổ Hà “
Theo
sử sách thì gốm Thổ Hà, gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng đã có từ thời Lý.
Làng gốm Thổ Hà xưa ở núi Gốm (Quế Dương) rồi cứ tiến dọc triền sông.
Qua Vạn Yên qua làng Đặng, làng Chọi, Quả Cảm… cho đến cuối đời Trần mới
dừng lại Thổ Hà giờ đây(l).
Dấu
vết trên đường rời quê ấy, dọc triền sông, nay người ta còn đào được
nhiều mảnh sành mảnh sứ. Hẳn thời nguyên sơ, con sông Cầu còn vật vã dữ
dội. Những làng xóm thuở ấy còn nhỏ bé. Cuộc sống con người còn gian
nan. Thiên nhiên đầy khắc nghiệt. Để có sự bình yên như bây giờ, phải
biết bao công sức của con người.
Tôi
đi trong làng Thổ Hà đã bao lần, mà mỗi lần cứ nao nao xúc cảm. Những
ngõ hẻm chạy dài sâu, hai bên bờ tường cao xây bằng tiểu, bằng vại nèn
đất làm ngõ càng hẹp, càng hun hút hơn. Lối ngõ lát toàn mảnh sành, mảnh
gốm vỡ. Một tiếng cười ở đầu ngõ cũng cứ âm vang. Mái ngói kề mái ngói
ngả màu rêu. Những dãy lò đang ăn lửa. Vài chiếc lò con cóc bỏ không.
Một khoảng trời xanh đất chợt ở cuối ngõ… Sự phồn thịnh ấy, tất cả đều
do bàn tay con người.
Cụ
Vọng, nghệ nhân xuất sắc của làng gốm nói với tôi về cái nghề gốm của
làng cụ: “Đất và bàn tay mình thôi. Bao đời rồi chúng tôi nặn nồi bát
ven sông…”. Phải! Thật kỳ lạ khi xem những mặt hàng gốm mà nơi đây làm
ra. Từ cái vại mộc, đến cái thống men trồng hoa…, tất cả đều nặn từ đất.
Người Việt mình gắn bó với bao đồ gốm, đồ sành. Từ khi ra đời cắt nhau
cho vào cái nồi đất chôn ngoài cổng ngõ, rồi tắm lọt lòng trong cái chậu
sành da lươn, lớn lên cầm bát cơm, cái điếu bát hút thuốc lào, cái nồi
kho cá, cái vại muối cà, cái chum kê bên gốc cau hứng nước mưa… Rồi đến
khi nhắm mắt nằm xuống, thay đổi hài cốt, người lại được nằm trong cái
tiểu sành. Đất với người, người với đất gắn bó, thuỷ chung như thế.
Thổ
Hà xưa nay không có một thửa ruộng nào. Mọi công việc đều quay quanh
mấy chục cái lò gốm. Xưa toàn xây kiểu lò con cóc… chưa có lò rồng nhiều
bầu như giờ. Lò rải khắp làng như những con cóc cụ ngồi chồm hỗm. Những
cột khói bốc lên nghi ngút khắp làng. Nhà giàu, có nhà hai lò. Nhà
nghèo chung nhau mấy nhà một lò. Nghèo nữa thì đi làm mộc, đi gánh gồng
thuê. Công việc vất vả nhất là khâu làm mộc. “Hòn đất mà vật lên nồi”.
Bàn tay người làm nên cả thôi. Nào quây, vần, chuốt. Đất sét sau nhiều
lần đảo trộn, cầm lên tay dẻo dai như cơm nếp. Không phải đất nào cũng
làm gốm được. Cuộc di quê dọc sông Cầu xưa, chắc là cũng vì một phần
theo nguyên liệu đất chăng? Thổ Hà có từng đoàn thuyền đi lấy đất. Có
khi đi xa ngót hai mươi cây số tận Xuân Cai, Đồng Trũng mua đất về Người
trong nghề quen rồi. Cứ nhìn sắc đất biết là mẻ gốm đẹp hay thường. Hòn
đất cầm vê trên tay cứ mịn, dẻo là được mua với giá cao. Nay làm ăn có
tập thể, đất tìm được ngay đồng gần làng không phải đi xa nữa. Lại có dự
án cứ đào sâu dưới lòng sông Cầu, sét nhiều mà tốt lắm. Làng gốm thỏa
sức mà làm…
Tôi
cứ mê đi trước cảnh từng dãy nhà, các bác, các chị ngồi chân đạp bàn
xoay, tay chuốt hình. Nào lọ, nào vò, nào chum, nào vại cứ hiện dần lên
dưới tay người. Dưới đôi bàn tay ấy là cuộc sống bừng dậy. Ngày trước
người làm gốm chỉ làm bộ, không biết rót khuôn như bây giờ. Ấy thế mà,
con mắt và bàn tay thần kỳ làm sao, bao hình dáng cân đối và đều nhau
như thế. Nay trong làng còn nhiều gia đình giữ lại được một số đồ cũ.
Những chum, ang cao ngập đầu người. Những chiếc chậu cảnh nuôi cá rộng
như cái nia. Những họa tiết, những đường riềm trên những đồ vật ấy cứ
sống động, trẻ mãi. Từ khối đất sét dẻo quánh kia, người dựng hình lên
thế nào. Bao đời, bàn tay con người mới kỳ diệu làm sao…
Cụ
Vọng nói: “Là nghề của chúng tôi, mọi cái rồi quen cả thôi. Thật ra thì
cũng khó khăn đấy. Khi làm mộc khô, đưa vào lò, hàng to thế, phải bốn
năm người khênh, mà chỉ cần không đều tay một tí là vỡ, là âm ngay. Lại
còn cho lửa ăn nữa. Nếu lửa già quá thì hàng bị nứt nẻ. Ăn non lửa, hàng
lại rộp lên như bánh đa quạt than…”.
Ngày
trước trong làng chỉ có vài người biết đun lò. Những sư lò được trọng
đãi lắm. Lò này gọi, lò kia gọi. Ngày đun lò là ngày nôn nóng hơn. Từng
đống cỏ tranh khô cứ vơi dần. Khi nhìn qua cửa lò, chum vại đỏ rực lên
như sắp cháy. Ấy là hạ lửa. Chờ vài ngày sau lửa tắt, lò nguội dần là ra
lò. Vui nhất là ngày ra lò. Lò này ra, lò kia ra. Trong nhà, ngoài ngõ
tất bật hẳn lên. Thuyền đỗ đầy ngoài bến chờ ăn hàng. Những chiếc chum
to hai người, bốn người đòn chão khênh. Chum nhỏ một người ôm một. Có
người đội lên đầu, cứ thế lênh khênh mà đi. Tiếng cười oang oang đầu
ngõ. Trẻ con cũng xúm vào làm theo. Đứa xách cái vò, đứa xách cái lọ
chạy luýnh quýnh. Sân chứa hàng một lúc đã đầy cả lên nào chum, nào
chĩnh, nào vại, nào chậu, nào nồi. Trời ơi, nhìn những mặt hàng ăn lửa
chín đều, cứ xăn xắn, gõ vào thành nghe canh canh tiếng chuông lòng ai
mà yên được. Cái niềm vui rân rân dâng lên như rượu mạnh… Làng gốm ở đây
cứ liên tiếp những niềm vui như thế. Sau những mùa gốm, làng xóm lại
thêm bao nếp nhà ngói. Cái ngõ lát mảnh sành, mảnh sứ cài răng lược lại
kéo dài thêm ra…
Anh
cán bộ kỹ thuật Dong đang say mê nghiên cứu cách pha chế men sao cho
đẹp, vừa rẻ, lại vừa có sắc riêng của Thổ Hà. Trong phòng làm việc của
anh đầy những vò, lọ, chậu, cốc đựng hóa chất. Học xong khoa gốm Trường
Mỹ thuật Công nghiệp, anh xin về công tác ở đây. Buổi đầu tiên, sau khi
đi thăm các bác, các anh thợ gốm làm việc, là anh đi vẽ bức tranh bột
màu về cái cổng làng Thổ Hà. Bức tranh hiện nay anh vẫn giữ, phần là kỷ
niệm, phần là ghi nhận ngày về với quê hương thứ hai của mình. Được biết
anh vừa pha chế thành công một số mẫu men mới. Anh say sưa nói với
chúng tôi về men nặng lửa, men nhẹ lửa. Và thật kỳ lạ, đồ làm bằng đất,
lại lấy từ đất ấy làm men tráng lên, sau khi nung, hàng được tráng lớp
men bóng và đẹp lạ. Anh đang băn khoăn làm sao tạo được nhiều mặt hàng
đẹp, vừa mới, vừa giữ được đường nét dân tộc. Điều băn khoăn lớn của
ngành thủ công là làm sao kế truyền được những tinh hoa của cha ông
trước kia, kẻo mai một đi.
Làng
gốm Thổ Hà, ngành nung nay đã có từng tổ nung. Những sư lò nay là những
nghệ nhân già, là những thanh niên mới lớn lên. Và đặc biệt có cả con
gái nữa. Câu chuyện của những sư lò mới dùng củi thay cỏ, dùng than thay
củi thật vui, thật cảm động. Lớp thợ mới lớn lên trên đất quê mình. Với
tinh hoa của cha ông, với trái tim mình, bàn tay người thợ gốm Thổ Hà
ngày càng khéo hơn.
Giờ
đây tôi đang đứng giữa sân thành phẩm, lòng cứ rạo rực một niềm vui
khôn kể. Nào vại nào chum. Nào lọ nào lò. Nào ấm nào nồi. Nào chậu hoa,
nào đôn cảnh… Hàng thì trơn, hàng thì men hoa. Cụ Vọng nhấc lên một
chiếc nồi đất, cụ nói với tôi: “Gì thì gì, chứ tôi cứ thấy cơm thổi nồi
đất ngon hơn thổi nồi đồng, nồi nhôm…”. Tôi mải nghĩ miên man, vùng sông
Cầu đây xưa thường có hội thi bơi thuyền nấu cơm. Phải chăng, xưa những
cô gái vùng Kinh Bắc đây vận áo tứ thân, nón quai thao, hát quan họ,
tay chèo thuyền, tay nhóm lửa thổi cơm bằng chiếc nồi đất như thế này?
Nồi cơm nào ngon nhất hội đã dâng lên nhà vua? Bao vại muối dưa, muối cà
kia đã nuôi lớn bao người?…
*
* *
Nói
về gốm Thổ Hà, cái chính, cũng là muốn để nói những nét tiêu biểu của
gốm Phù Lãng (Đại Tân, Quế Võ) – hai làng gốm này đều nằm ven sông Cầu.
Công nghệ ở hai vùng này đều có từ những năm ba ông tổ nghề đi sứ về,
rồi dạy nghề cho dân làng. Phương pháp làm đất, lên xương gốm, vào lò
nhóm lửa để nung đốt, rồi khi hạ lửa, ra lò… Ở hai làng gốm này, thao
tác giống nhau lắm. Cách thức tổ chức sản xuất gốm cá thể xưa và gốm tập
thể nay ở Thổ Hà cũng tương tự như ở Phù Lãng. Chỉ có một điểm khác
nhau chút ít là ở mặt hàng: Gốm Phù Lãng hầu hết là gốm sinh hoạt thực
dụng hàng ngày, như ấm, nồi đất, vò, lọ vại chum nhỏ… Còn ở Thổ Hà,
ngoài các mặt hàng đó chúng tôi thấy có làm những mặt hàng lớn hơn. Như
những chum đại, ang lớn và các kiểu tiểu sành ở Thổ Hà thì tự xửa xưa đã
có uy tín lắm.
Hai
làng giữ nghề sớm như nhau, sản xuất mặt hàng tương tự nhau, ấy vậy,
Phù Lãng vẫn thiệt thòi hơn Thổ Hà, bởi lẽ, đa phần người ta chỉ biết
tới Thổ Hà và đến Thổ Hà mua hàng, vì Thổ Hà gần trung tâm văn hóa –
kinh tế – chính trị của tỉnh. Đường đi lối lại vào Thổ Hà cũng có phần
gần và tiện lợi hơn.
Thuở
trước, Thổ Hà cũng như Phù Lãng đều giấu nghề kỹ lắm. Hai nơi cùng công
nghệ, vậy họ vẫn giữ bí quyết riêng của họ. Ngày nay, Phù Lãng và Thổ
Hà đều đã có hợp tác xã gốm. Kỹ thuật nay là của chung, cùng nhau trao
đổi, bàn bạc, chứ không còn phải giấu riêng, giữ riêng nữa.
Gốm
kiến trúc của Thổ Hà rất được ưa dùngHiện tại, ngoài việc sản xuất đồ
gốm dân dụng, Thổ Hà và Đại Tân có sản xuất số lượng hàng gốm phục vụ
kiến trúc đáng kể. Những đình chùa trong tỉnh, ngoài tỉnh cần trùng tu,
là phải nhờ Thổ Hà và Đại Tân phục chế các kiểu ngói cổ. Hàng gốm kiến
trúc như ngói bò, ngói ống, ống gốm thoát nước; các vật gốm trang trí
kiến trúc như hoa cửa, tháp nhọn trên nóc nhà, do Thổ Hà và Đại Tân sản
xuất, thì ai cũng ưa dùng. Nó vừa bền, vừa đẹp và giá cả lại phải chăng.
Nói gì thì nói, gạch thất, gạch lục, gạnh vuông cỡ đại thì vẫn phải nói
tới Bát Tràng. Còn như, gạch lá nem lát nền nhà, là phải tìm tới Thổ Hà
sản xuất, vừa nuột mặt, vừa phẳng, lại đều nhau chằn chặn. Mười viên,
cứ là cả mười giống nhau. Ngày xưa, lại còn làm cả loại gạch lá nem có
tráng dầu trên bề mặt nữa. Nhìn viên gạch lá nem tráng dầu nhẵn bóng
không kém gì gạch men hoa. Xem ra, ở nông thôn, người ta còn ưa dùng
gạch lá nem Thổ Hà để lát nền nhà hơn cả gạch men. Bởi lẽ, màu gạch lá
nem Thổ Hà là màu đất, đằm, không rực rỡ như gạch men và không trơn như
gạch men. Ngoài ra, còn có ưu điểm khác, là loại gạch lá nem lại hút cả
nước. Vì vậy, loại gạch này bốn mùa đều hợp với nhà ở thôn quê. Trời mưa
dầm, trời trở nồm, thì nền nhà lát gạch lá nem Thổ Hà vẫn khô ráo, sạch
sẽ.
*
* *
Đất
nước mình đâu cũng gặp những dòng sông. Sông vẫn bồi đắp phù sa lên bãi
bờ. Muôn đời, dọc triền sông người vẫn dùng nồi, nặn bát. Cầm mặt hàng
trên tay, tôi rưng rưng nghĩ về những người nghệ nhân gốm xưa kia. Rồi
mai, người cầm mảnh gốm hôm nay, người sẽ nghĩ gì về quê hương, về những
người thợ Gốm ngày nay? Hẳn muôn đời người sẽ mãi ngạc nhiên ở bàn tay
con người…
Gốm Cậy
Cùng
với các làng gốm Thổ Hà, Phù Lãng, Chu Đậu, Đông Triều, Bát Tràng…, gốm
Cậy là làng nghề thủ công truyền thống lâu đời có một trình độ nghệ
thuật cao, tạo được một dòng gốm men riêng biệt, góp phần làm phong phú
gốm Việt Nam.
Cậy là tên nôm của làng Kệ Gián, thuộc tổng Binh Dã, huyện Đường An,
thời Lê, nằm bên hữu ngạn sông Kẻ Sặt. Sát làng Cậy có làng Hương Gián,
sau đổi là làng Nam Gián, thuộc tổng Triền Đỗ cùng huyện. Cả hai làng
này cùng dựng lò gốm, công nghệ làm gốm hai làng giống nhau. Vì nằm sát
bến đò Cậy nên người dân quanh vùng vẫn quen gọi vùng gốm nơi này là gốm
Cậy.
Làng
Cậy có trên 600 hộ, ngót 300 khẩu, hơn 300 mẫu ruộng. Người đông, ruộng
đất ít, công nghệ gốm đã thu hút nhiều người tham gia. Khách lạ đến
làng Cậy, cũng dễ nhận ra nơi đây là làng gốm cổ. Làng nằm bên bờ sông,
nằm trên tầng tầng lớp lớp gốm vỡ. Đường làng ngõ xóm hầu như được làm
từ các mảnh gốm.
Làng
Cậy có ngôi đình lớn, thờ thành hoàng Bảo Phúc Đại Vương, sống vào đời
Hùng Vương thứ 17, có công giúp Vua Hùng chống giặc ngoại xâm, nhưng
không biết có phải ngài là ông tổ nghề gốm ở đây không? Hay chăng tổ
nghề ở đây chỉ là truyền thuyết?
Sản
phẩm gốm ở Cậy cũng rất đa dạng. Nào bát, đĩa, ấm, chén, bình hoa…
Nhưng đặc biệt là có loại gạch lớn được nung rất khéo. Gạch này vốn là
bao thơi của gốm. Gạch của làng Cậy chín già, có kích thước lớn, thường
được dùng làm chân kê cột đình, cột chùa và lát các lối đi trong đền,
đình rất đẹp.
Các
lò gốm ở Cậy lấy nguyên liệu đất sét ở đâu? Theo các cụ già ở làng, từ
xa xưa, người thợ gốm Cậy lấy đất sét ở hai bờ sông của làng làm gốm.
Loại đất sét này rất mịn, tạo ra sản phẩm gốm óng chuốt. Sau này, nguồn
đất sét ở quê cạn kiệt, người thợ gốm Cậy phải dùng đất sét cao lanh
khai thác tận Đông Triều – Quảng Ninh. Ngày nay, men gốm Cậy vẫn phải
dùng đất sét cao lanh ở Hồ Lao, Đông Triều, nghiền lẫn cùng tro trấu,
tro củi lọc kỹ. Men gốm Cậy thường là men màu lam nhạt, mang phong cách
gốm Cậy, khác hẳn gốm Thổ Hà, gốm Bát Tràng.
Theo
một số tư liệu, gốm Cậy đã từng chiếm được thị trường trong và ngoài
nước. Hiện tại, ở Bảo tảng Cổ vật Topkápu Sarêgi tại Istanbul, Thổ Nhĩ
Kỳ có lưu giữ một bình gốm hoa lam của làng Cậy. Bình gốm này cao 66 cm,
chân tròn như quả bí đỏ, cổ thẳng và cao, hơi loe miệng. Sườn và đáy lọ
trang trí hoa dây. Thân lọ có 13chữ “Hán Thái Hoà bát niên, Nam Sách
châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút”. Tạm dịch: Năm Thái Hoà thứ tám (1450)
tại châu Nam Sách, thợ gốm Bùi Thị Hý vẽ.
Cùng
với các làng gốm Thổ Hà, Phù Lãng, Chu Đậu, Đông Triều, Bát Tràng…, gốm
Cậy là làng nghề thủ công truyền thống lâu đời có một trình độ nghệ
thuật cao, tạo được một dòng gốm men riêng biệt, góp phần làm phong phú
gốm Việt Nam.
Từng
là một trong những địa chỉ “danh bất hư truyền” của gốm, tuy nhiên,
hiện làng Cậy chỉ còn hơn 10 hộ duy trì nghề sành sứ, sản phẩm chủ yếu
vẫn là chén bát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và manh mún. Hiện làng chỉ còn
hai nghệ nhân gìn giữ được kỹ thuật bí truyền của gốm cổ xưa. Một trong 2
người đó – nghệ nhân Lê Xuân Năm, đang tìm hướng phục chế nghề làm gốm
cổ của tiền nhân.
Nghệ
nhân Lê Xuân Năm tâm sự: Cậy là một làng gốm nổi tiếng, đáng tiếc còn
quá ít người gìn giữ được nghề cổ truyền. Phục chế mỗi sản phẩm gốm cổ
vừa mất nhiều thời gian, cần sự khéo léo công phu, không thể chế tác
hàng loạt như gốm hiện đại, nên không mấy người thích làm. Vì số lượng
sản phẩm sản xuất còn ít nên cũng khó mở rộng thị trường tiêu thụ, càng
khó hơn trong việc phục hưng thương hiệu”. Ông Năm luôn ao ước nhiều
người dân làng Cậy cùng chung sức làm cho làng nghề gốm lớn mạnh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét