I.- KHÁI LƯỢC
Lý Như-Huyễn là một quan niệm về nhân sinh và vũ trụ độc đáo của nhà
Phật. Trong thiền định sâu xa, Đức Phật thấy rõ tất cả các pháp đều là
những hiện tượng không thật có, vì chúng do nhiều duyên tụ hội lại mà
thành. Bản chất của chúng là không, vì chúng không có tự thể. Như vậy,
nhìn trên hiện tượng (SẮC) là duyên hợp tạm có, nhưng bản thể lại là
KHÔNG. Nói khác đi, SẮC là biểu tướng của KHÔNG, KHÔNG là bản chất của
SẮC. Đây là tinh thần Bát-Nhã, mà chỉ những người ở trong Như-Huyễn tam-muội, tức trong chánh định quán triệt lý Như-Huyễn, mới thẩm thấu được.
Các pháp không thật có nên là huyễn, nhưng tự tánh các pháp là không, nên tuy huyễn mà vẫn thường ở trong Như tánh. Như
là thể của Huyễn, Huyễn là dụng của Như. Như là thể tánh bất động,
không bao giờ thay đổi; Huyễn là tùy duyên mà hình tướng đổi thay. Chúng
ta từ Như đến đây, mang thân huyễn mộng này, rồi khi mất đi lại trở về
Như. Nhưng không phải đợi lúc hình tướng tan hoại mới trở về Như, mà
ngay khi còn thân huyễn, nó đã là Như rồi. Cũng như nước là hiện tượng,
có thể thay đổi từ thể lỏng sang thể rắn, thể hơi, nhưng không bao giờ
mất đi tánh ướt. Vì Huyễn không bao giờ rời Như, nên nhà Phật gọi là
Như-Huyễn.
Lý Như-Huyễn là một vũ khí lợi hại, quét tận gốc rễ mọi tham đắm chấp
trước của con người về thân, tâm và cảnh. Hàng ngày, chúng ta nhìn và
hiểu các pháp bằng thức tâm phân biệt và bằng sự tưởng tượng phong phú
của mình, cho các pháp là thật có. Do thấy không đúng lẽ thật (si) nên sinh tham. Nếu lòng tham được thỏa mãn, lại càng tham đắm nhiều hơn, nặng hơn; nếu không thỏa mãn sẽ phát sinh sân hận.
Phiền não vì thế càng tăng trưởng, không có ngày dừng. Khi lắng sâu tâm
thức, hiểu rõ lý Như-Huyễn, ta sẽ thấy cuộc đời ta trải qua bao nhiêu
năm vui-buồn sướng-khổ thịnh-suy, chỉ như một giấc mộng dài ! Cảnh vật
bên ngoài cũng thế, căn nhà ta ở, khung cảnh xung quanh ta..., có phải
chúng đang biến đổi trong từng giây phút ? Trong phạm trù không gian,
thân-tâm-cảnh là duyên sinh giả hợp; trong phạm trù thời gian, chúng
biến đổi không dừng trụ; như thế không phải huyễn là gì?
II. NỘI DUNG
1.) Từ Lý Nhân-duyên đến Tánh Không
Về mặt tục đế, Đức Phật
thuyết giảng lý Nhân-duyên giải thích sự thành hình của tất cả các pháp,
đồng thời bài bác 4 luận thuyết của ngoại đạo đương thời:
1- Thuyết tự sanh: Các pháp được sanh ra từ chính bản thể của nó.
2- Thuyết tha sanh: Các pháp sanh từ bản thể của những pháp khác.
3- Thuyết cộng sanh: Pháp này nhờ pháp kia mà sanh và ngược lại.
4- Thuyết vô nhân sanh: Các pháp ngẫu nhiên mà hiện hữu, không cần có điều kiện hay nguyên nhân nào.
Lý Nhân-duyên cắt nghĩa sự thành lập của các pháp là do nhân và duyên kết hợp và tác động. Trong đó, nhân là yếu tố quyết định, không thể thiếu; duyên là những điều kiện hỗ trợ. Ví dụ: Để có cây lúa (một pháp), phải có hạt lúa là nhân, cùng kết hợp với các duyên là
đất, nước, ánh sáng mặt trời, người nông phu... Từ lý Nhân-duyên, Đức
Phật triển khai thành lý Nhân-quả thế gian và xuất thế (tức Tứ Diệu Đế)
cho các vị Thanh Văn, và Thập nhị nhân duyên cho các bậc Duyên Giác. Tu
theo con đường này, hành giả phá được ngã chấp, cuối cùng là giải thoát
khỏi luân hồi sanh tử. Chúng ta thường gọi đây là con đường của Nhị
thừa.
Đối với Bồ-tát Đại thừa, các Ngài do quán triệt lý Nhân-duyên đưa
đến nhận thức đúng đắn về các pháp. Từ những pháp hữu hình đến vô hình
(không thấy được bằng mắt thường như không khí), từ hiện tượng vật chất
đến tinh thần (cảm thọ, nhận thức...), chúng đều không thể tự mình hình
thành mà phải nhờ nhân và duyên sanh ra. Đến lượt các nhân duyên ấy, vì
chúng cũng là các pháp, nên cũng phải cần các nhân duyên khác tạo nên.
Từ đó, chúng chuyển biến sinh diệt, làm nhân duyên cho pháp này rồi lại
là quả của những nhân duyên khác, không biết đâu là bắt đầu và đâu là
tận cùng. Đức Phật gọi là “trùng trùng duyên khởi”.
Như vậy, các pháp đều không phải thật không và cũng không thật có.
Chúng không thật là không, vì con người có thể cảm nhận chúng bằng giác
quan; chúng không thật có vì chúng do các pháp khác tạo thành, nên không
có tự thể. Vì thế, tánh của chúng là Không, nhờ duyên hợp nên giả có.
Đây là tinh thần của hệ Bát-nhã, hiển bày Tánh Không của tất
cả các pháp. Dùng trí tuệ Bát-nhã quán chiếu tường tận thật tánh các
pháp, thấu triệt Pháp tánh, Bồ-tát phá được ngã chấp và pháp chấp, cả
pháp thế gian lẫn pháp xuất thế gian. Nhà Phật gọi là con đường của
Bồ-tát thừa.
2.) Tánh Không và Lý Như-Huyễn
Đức Phật tuyên bố, vạn pháp đều như huyễn, để nói lên tính bất thực của chúng. Đó là đứng trên bình diện chơn đế, nhìn vạn pháp bằng cái nhìn “đương thể tức không”.
Đối với các nhà khoa học, thuyết Big Bang là một giả thuyết táo bạo
và vĩ đại nhằm giải thích sự thành lập của vũ trụ. Nhưng trong giáo lý
nhà Phật, vũ trụ không chỉ trải qua một chu kỳ thành - trụ - hoại - không, mà đã - đang và sẽ tiếp diễn vô lượng chu kỳ như thế, không có khởi đầu cũng không có kết thúc - tiền tiền vô thủy, hậu hậu vô chung.
Thế giới hiện tượng là hữu vi duyên khởi, sanh sanh diệt diệt tương
duyên tương tác. Không pháp nào trong vũ trụ lại đứng yên, mà luôn luôn
chuyển động đổi mới. Ngay cả phần vĩ mô nhất là toàn bộ vũ trụ, cũng
thay đổi mỗi ngày. Hình thái của vũ trụ, mà một số nhà Vật lý học hàng
đầu thế giới đã phác hoạ trong những công trình thực nghiệm và tư duy,
thật ra chỉ là một phần rất nhỏ những cảnh giới mô tả một cách tuyệt vời
trong Kinh Hoa Nghiêm. Tuy nhiên, từ những hạt Quartz (được cho là yếu
tố nhỏ nhất cấu tạo thế giới) cho đến toàn thể thực tại trùng trùng
duyên khởi, không có pháp nào hiện hữu mà không được tạo thành từ những
nguyên nhân khác. Do vậy, tất cả chỉ là huyễn mộng, dù là thế giới vi mô hay vĩ mô.
Con người chúng ta, từ trước đến giờ đã trải qua bao kiếp sống; và từ
giờ trở về sau, sanh sanh tử tử vẫn tiếp nối không dừng. Gọi là “tử”
nhưng thật sự, chỉ là sự thay đổi của thân từ dạng thái này sang dạng
thái khác, từ thân tiền ấm (con người hiện tại) chuyển qua trung ấm (lúc lìa đời); khi đủ duyên lại gá vào thân hậu ấm,
tiếp tục một chu kỳ sanh tử khác với một hoàn cảnh chánh báo và y báo
khác. Đáo cùng, nhắm mắt lìa đời không phải là thật sự xa lìa trần tục,
mà chỉ là tạm thời ngưng cuộc sống ở nơi này để tiếp nối cuộc sống nơi
kia. Cho nên, không có thật sanh cũng không có thật diệt, tất cả chỉ
trong huyễn mộng mà thôi.
Điều lầm lẫn nhất của con người là chạy theo hình tướng mà quên bản chất, chạy theo Sắc mà quên tự tánh Không, nên không có sự hiểu biết như thật về tất cả các pháp. Sắc là do đủ duyên mà hiện hữu nên là Huyễn, còn Không là bản thể nên Như.
Huyễn từ Như mà có, biểu hiện tác dụng; muốn thâm nhập Như thì phải từ
Huyễn mà vào. Nói cách khác, Sắc là dụng của Không, Không là thể của
Sắc; khi đủ duyên thì khởi ra Sắc, khi duyên tan thì Sắc trở về Không.
Do vậy, Huyễn không bao giờ rời Như, Sắc chẳng thể nào lìa Không được.
Hiểu điều này, ta sẽ thấy rõ ràng Ta-bà là Tịnh-độ, phiền não tức Bồ-đề.
Vì hiện tượng không thể nào tách rời khỏi bản chất và ngược lại, nên các vị Thiền sư ngộ đạo là ngộ ngay sự hữu, từ đó thấu thể cả sự vô.
Các Ngài thấy rõ vạn pháp đều vô thường theo thời gian và duyên sinh
trên bình diện không gian, nên chúng hiện hữu trong sự chuyển động và
giả hợp. Nhưng trong lòng những chuyển động và giả hợp của sự hữu, luôn
luôn hiện diện đặc tính bất biến và thống nhất của sự vô. Mặt khác, do
con người luôn khởi niệm duyên theo trần cảnh, tâm không lúc nào dừng
trụ, nên các pháp biểu hiện bên ngoài đều vô thường. Trái lại, các Ngài
trở về trạng thái như của tâm, nên thấy các pháp đều
Như. Có thể nói, tâm tịnh thì thế giới tịnh, tâm Như các pháp Như, tâm
bình thế giới bình. Các Ngài vẫn ở trong cuộc đời làm lợi ích cho chúng
sanh, ở trong thường tục mà vẫn siêu tục, tự tại an nhiên trước mọi khó
khăn chướng ngại, ngay cả trước tử thần !
Bài Minh của Tổ Qui Sơn có đoạn:
Huyễn thân mộng trạch
Không trung vật sắc
Tiền tế vô cùng
Hậu tế ninh khắc.
Thân huyễn trong nhà mộng, tất cả vật sắc đều ở trong hư không. Vật
sắc ấy, mé trước là vô cùng, còn mé sau có ai biết được ? Thân chúng
sanh là huyễn, thân Thánh nhân cũng huyễn, sống trong nhà mộng tam giới;
nhưng phàm phu si mê chấp thân là thật nên không từ một thủ đoạn nào để
bảo vệ và tô bồi cho cái ngã, đôi khi còn nhân danh Thượng Đế tiến hành
những cuộc thánh chiến đẫm máu. Còn các bậc Thánh nhân, tuy mang thân
huyễn mà tâm vẫn ở trong Như, vì thấu rõ lý Sắc - Không. Vũ trụ vạn pháp
là vô thủy vô chung, nhưng luôn hiển hiện một chân lý ngàn đời: Tất
cả vật sắc, lúc đủ duyên thì giả hợp thành sự hữu, khi hết duyên lại
trở về sự vô. Sự hữu (Sắc) là giả tướng, biểu tướng; sự vô (Không) là tự
thể, bản chất. Cả hai không thể tách rời nhau, cũng như giữa tâm và
cảnh, giữa tạo chủ và tạo vật, đều bất khả phân ly như thế.
Trang tử Nam Hoa kinh kể chuyện Trang tử nằm mộng thấy mình hóa bướm, khi tỉnh dậy không biết “Chu là bướm hay bướm là Chu”. Câu chuyện này có một ý nghĩa rất sâu sắc, nhằm diễn tả một thực tại ly ngôn ngữ. Đây là trạng thái vô tâm,
hòa nhập nhất như giữa tâm và cảnh, giữa mình và vạn pháp. Khi tâm hoàn
toàn tĩnh lặng, vẫn thấy nghe hiểu biết mà không xen tạp một ý niệm
nào, chúng ta sẽ nhận ra vũ trụ rất nhiệm mầu vi mật, không thể đem thức
tình tầm thường mà đo được. Chúng ta cũng nhận ra rằng, cõi giới của
mình là cõi phàm - Thánh đồng cư, như cõi Cực lạc của Phật A-Di-Đà. Không phải tìm Niết-bàn ở một nơi nào xa lạ, mà chỉ ngay mảnh đất hiện tại bây giờ và ở đây.
Một điều quan trọng cần lưu ý, chúng ta đừng bao giờ hiểu lầm Đức
Phật thuyết lý Như-Huyễn là phủ nhận sự hiện hữu của các pháp. Ngài
không từ chối thế giới hiện thực mà nhằm phát sinh tri kiến như thật, để
chúng ta nhận ra các pháp đang là. Thiền sư Từ Đạo Hạnh có bài kệ soi sáng ý nghĩa này:
Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không.
Tạm dịch:
Chấp có, thảy đều có
Chấp không, tất cả không
Có - Không, trăng đáy nước
Chớ chấp Có cùng Không.
Nếu cho mọi pháp là thật thì chúng đều thật có - đây là cực đoan thứ
nhất; nếu chấp tất cả đều không, thì chúng sẽ thật không - cực đoan thứ
hai. Cả hai cực đoan, chấp thường và chấp đoạn, đều không hội được liễu
nghĩa thượng thừa. Thường và đoạn, có và không ví như bóng trăng dưới
nước, nhìn thì thấy nhưng không vớt lên được, nên không thật có cũng
chẳng thật không. Nhà Phật phủ nhận cả chấp thường lẫn chấp đoạn mà theo
con đường Trung đạo, tinh thần của Lý Như Huyễn.
3.) Như Huyễn và Chân Không
Theo giáo lý Phật Đà, chúng sanh do nghiệp thức dẫn lôi, luân hồi trong ba cõi:
1. Cõi Dục: Chúng sanh còn đam mê ngũ dục,
thân thô tâm thô. Tùy nghiệp thiện ác mà vào ra trong sáu đường: Địa
ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, A-tu-la, Người, Trời. Cảnh giới thuần khổ là
Địa ngục, nửa khổ nửa vui là Người, thuần vui là Trời gồm 6 cõi Trời
Dục, dành cho người tu phước báo hữu vi.
2. Cõi Sắc: Đây là cảnh giới của người tu
Thiền định, gồm bốn bậc: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Thân
tướng tuy vẫn là sắc chất nhưng là vật chất vi tế, rất cao lớn đẹp đẽ,
không còn giới tính nam nữ. Thân vi tế, tâm thiền định.
3. Cõi Vô Sắc: Gồm Không vô biên xứ, Thức
vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ở cõi này, chúng
sanh tự tại vô ngại, dùng “thân định quả” tức lấy sức Thiền định làm
thân; không còn thân sắc chất nhưng còn tâm phân biệt vi tế.
Các cõi trên có chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức khác nhau,
nhưng tất cả không ngoài lý Như-Huyễn. Bởi vì, những gì có hình tướng,
dù thân thô hay tế, dù tâm Thiền định mà còn một niệm nhỏ nhiệm, cũng
thuộc về sinh diệt, cũng đều là Huyễn.
Mặt khác, những loài chúng sanh khác nhau có nhận thức về thế giới
khác nhau. Như trên cùng một dòng sông, loài người nhìn thấy toàn nước,
con cá thấy đó là thế giới cho nó sống và bơi lội, ngạ quỷ thấy toàn là
máu, chư Thiên lại cho là một dải lưu ly. Cho nên, thế giới mà con người
tưởng-tri thức-tri được, không phải là thế giới tồn tại khách quan
ngoài tâm thức, mà chính do tâm thức biến hiện ra. Duy thức sở biến duy tâm sở hiện,
vì thế tất thảy đều là mộng ảo. Như khi nằm mộng, ta thấy rõ ràng có
người có cảnh, tâm ta cũng biến thiên theo cảnh theo người; đến lúc tỉnh
giấc, những gì xảy ra trong chiêm bao có phải là thật đâu? Đó là tiểu
mộng, còn bao nhiêu năm cuộc đời ta, là một trường đại mộng, cũng qua đi
như một giấc chiêm bao. Thuần Vu Phần nằm ngủ dưới gốc cây hòe, mơ thấy
mình thi đỗ làm quan, được vua gả công chúa; sau đó nhận lệnh vua đánh
giặc, thất trận, công chúa chết, vua bắt tội xử đi đày. Giật mình tỉnh
giấc mới biết chỉ là giấc mộng, trên cành cây ở hướng Nam chỉ có một ổ
kiến. Thật là:
Giấc Nam-kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.
Biết cuộc đời là mộng huyễn, không phải để chúng ta cam phận, chấp
nhận khổ đau; càng không phải để chúng ta chán nản buông trôi, mặc dòng
đời xô đẩy. Chúng ta ý thức mình đang hiện hữu nơi cảnh giới này cùng
mọi người, là do nghiệp thức cộng trụ kết hợp với biệt nghiệp của từng
người. Biệt nghiệp thì không ai giống ai, nên số phận mỗi người mỗi
khác; nhưng cộng nghiệp người không khác nên sống chung một môi trường,
chịu chung một hoàn cảnh thiên tai dịch họa... Và rồi, dù chánh báo hay y
báo, dù biệt nghiệp hay cộng nghiệp, tất cả đều là huyễn, vậy thôi!
Dù sao đi nữa, ở cõi người có khổ có vui mới dễ làm ta thức tỉnh,
tinh tấn tu hành dễ được thoát khổ. Nếu thuần khổ như Địa ngục, đói khát
như Ngạ quỷ hoặc si mê như Súc sanh, làm sao có cơ hội tỉnh giác?
Ngược lại, cõi trời quá vui quá sướng, chúng sanh đắm chìm trong đó còn
ước ao gì hơn nữa; đến khi hết phước hiện tướng đọa đày, thức tỉnh thì
đã muộn. Chư Phật Bồ-tát thương xót chúng sanh vô minh tăm tối, nên bằng
mọi phương tiện cứu độ muôn loài thoát khỏi ngục tù tam giới.
Thiền sư Thanh-Đàm Minh-Chánh nói:
Công danh cái thế màn sương sớm
Phú quý kinh nhân giấc mộng dài.
Chẳng hiểu bản lai vô nhất vật
Công phu luống uổng một đời ai.
Dù công danh cao tột thế gian hay phú quý đến độ người người đều
khiếp sợ, cũng chỉ như màn sương buổi sớm hay giấc mộng đêm qua, có gì
là thật. Vậy thì, con người phải định vị mình ở nơi đâu ? Đây là câu hỏi
thiết yếu mà mỗi chúng ta cần tự đặt ra và tự giải đáp.
Đối với người thế gian, “công phu” là kiến thức kinh nghiệm
học hỏi thu thập được trong quá trình sống và làm việc, là sự nghiệp
công danh, là thành công trong xã hội và hạnh phúc trong gia đình. Mọi
người hầu như đem hết tâm lực cốt đạt được những điều mong ước đó. Đối
với hàng xuất gia, “công phu” là tích lũy một số kiến thức Phật
học và thế học, có trú xứ ổn định, có tăng thân thanh tịnh hòa hợp cùng
giúp đỡ nhau tu hành, ngày càng giảm thiểu phiền não khổ đau ở thân và
tâm. Tuy nhiên, cả hai khía cạnh vật chất và tinh thần nêu trên chưa
phải là hạnh phúc tột cùng, miên viễn và đích thực. Đời tu chỉ thật sự
có ý nghĩa khi hiểu được và đạt được mục đích: Trở về với con người thật của chính mình và sống bằng con người thật ấy. Muốn không để “luống uổng một đời”, người tu phải quán triệt tư tưởng “vô nhất vật”, danh từ của Lục Tổ Huệ-Năng.
Chúng ta nhớ lại câu chuyện ngộ đạo của Lục Tổ: Khi Ngũ Tổ Hoằng-Nhẫn
gọi Ngài vào phương trượng giảng kinh Kim Cang, Ngài vẫn còn là cư sĩ
làm việc dưới nhà trù. Trong kinh có đoạn Đức Phật trả lời câu hỏi của
Ngài Tu Bồ Đề: “Làm sao an trụ tâm?”. Phật dạy rằng: “Không nên trụ vào sắc mà sanh tâm; không nên trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Phải ngay nơi chỗ không trụ mà sanh tâm ấy”. “Tâm ấy” tức
tâm Vô thượng Bồ-đề. Lời dạy của Đức Phật, mới nghe chúng ta chỉ hiểu
là phải đặt trọng tâm ở chỗ không dính mắc với sáu trần. Vì sao không
nên dính mắc vào trần cảnh ? - Vì trần cảnh là duyên sinh giả hợp, tự
tánh của chúng là không. Nhưng nếu khéo nhìn sâu hơn, hành giả phải tự
nghi vấn: “Nếu tất cả các pháp đều Không, thân tâm cũng Không, vậy cái gì giải thoát ? Cái gì rõ biết Tánh Không ?” Cư
sĩ Huệ-Năng là một bậc pháp khí thượng thừa, nên từ lời dạy ấy, Ngài
nhận ngay ra tâm thể thường hằng của chính mình. Tâm này lặng lẽ, không
có hình tướng nên không thuộc về có; nhưng nó hằng tri hằng giác, biết một cách thấu thể mọi sự vật hiện tượng trong tận cùng pháp giới, nên không thuộc về Không. Vì vậy, nó được gọi là Chân - Không, cũng là Phật tánh, là Pháp thân, là Bản lai diện mục, là tâm Thiền...
Bằng tâm Thiền, các Ngài nhìn toàn thể sự vật bằng cái thấy như thị, không xâm phạm đến bản vị của các pháp mà vẫn hiểu một cách tột cùng bản chất của chúng. Đức Phật gọi đó là Phật tri kiến - Cái thấy biết Phật. Có cái thấy biết này, các Ngài khởi phát diệu dụng không thể nghĩ bàn. Chính là Chân Không sinh Diệu Hữu. Chân
Không là tâm thể, Diệu Hữu là tâm dụng. Nhờ Diệu Hữu, các Ngài có vô số
phương tiện quyền xảo để giáo hóa chúng sanh. Các Ngài dọc ngang tung
hoành, làm ngược làm xuôi, đôi lúc có những hành động ngôn ngữ vượt
thường mà người đời không đoán định nổi. Bàng Long Uẩn khi liễu đạt lý
Thiền, đem hết của cải đổ xuống sông. Thiền sư Đơn Hà đốt tượng Phật ở
chùa Huệ Lâm, làm Viện chủ Hướng “rụng cả lông mày”. Thiền sư Nam Tuyền
giơ con mèo lên, cả đại chúng không ai nói được, Ngài đành chém con mèo.
Gia tài sự sản bị vất hết, tượng Phật bị đốt, con mèo bị chém..., tất
cả vì ai ? Tất cả chuyện này có ý nghĩa gì? Cũng như Đức Phật, đã thành
Bậc Chánh Giác nhưng mỗi ngày Ngài đều tọa thiền. “Na-Già thường tại định”, Ngài đạt định trong mọi thời khắc, mọi nơi chốn, cần chi phải tọa thiền ? Đây là những điều chúng ta cần suy gẫm.
III. Ý NGHĨA TRONG SỰ TU HÀNH
Một Thiền sinh sau giờ tọa thiền, bạch cùng sư phụ: “Hôm nay con thấy rỗng rang tự tại”. Vị Thiền sư trả lời: “Rồi nó sẽ qua đi!”. Ngày kế, trò lại trình Thầy: “Hôm nay con lại thấy nặng nề mệt mỏi”. Thầy bảo: “Rồi nó sẽ qua đi!”.
Thiền sư đang khai thị chân lý cho trò: Tất cả các pháp, dù pháp thế
gian hay xuất thế gian, cũng đều qua đi, như dòng sông luôn luôn trôi
chảy không dừng. Thấy rõ các pháp là huyễn, không có gì vĩnh viễn thường
trụ, chúng ta không ước ao thân mình luôn mạnh khỏe, hoàn cảnh luôn
thuận lợi đối với mình. Bằng tinh thần lực chế ngự mọi đau khổ bất an,
ta sẽ tích cực sống và làm việc vì mình, vì người.
Tánh Không là nền tảng mọi hoạt động của các pháp; nhờ Không, các
pháp trở nên linh động. Từ Không biểu hiện Sắc, lúc tan hoại thì Sắc trở
về Không. Sắc là do duyên mà có nên lệ thuộc vào duyên, Không là tự
tánh nên hoàn toàn độc lập. Sắc là hiện tượng có sanh diệt, Không là bản
chất thường hằng. Hiện tượng là biểu tướng không thật nên Sắc tức Không, còn Không là thể tánh chân thật nên Không tức Sắc. Đây là ý nghĩa của Tánh-tướng bất nhị, Lý-sự vô ngại.
Quán triệt được điều này, chúng ta mới thấu rõ tinh thần Đương thể tức không - ngay có mà nhận ra không, từ không mà biểu hiện có. Không là nguồn cội của vũ trụ, vũ trụ tuy Huyễn nhưng nguồn cội Không ấy là Như, nên gọi là Như-Huyễn.
Kinh Pháp-Hoa dùng một hình ảnh thật đẹp biểu trưng người đã thấu triệt
“nhất thiết pháp không”: hình ảnh ngồi tòa Như-Lai. Do bản thể các pháp
vốn không, nên chúng dung thông vô ngại. Phàm phu do tâm chấp trước các
pháp là thật có, nên thấy chúng ngăn ngại lẫn nhau, đặc biệt đối với
các vật thể rắn: thân người không thể đi xuyên qua vách đá, hòn gạch ném
vào tường liền bị dội lại... Đức Phật dạy, do tâm chấp trước kiên cố
nên các pháp biểu hiện thành chất rắn, do tâm sân hận nên sanh có lửa,
do tâm tham ái nên có nước, do tâm dao động nên sanh ra gió. Tâm bên
trong như thế nào thì biểu hiện các pháp bên ngoài thế ấy. Đối với các
bậc ngộ đạo, lậu hoặc đã dứt, đã đạt lý tánh tuyệt đối, các vị có thể
tùy ý thi triển thần thông, vì các pháp không còn ngăn ngại lẫn nhau.
Đây là tư tưởng vút cao trong kinh Hoa-Nghiêm: Sự-sự vô ngại hay Pháp
giới dung thông. Tư tưởng này làm sáng tỏ thêm lý Như-Huyễn, vì các pháp
như huyễn nên thật sự không có ranh giới chướng ngại.
Một linh hồn gõ cửa Thượng-Đế xin vào ở chung. Thượng-Đế từ trong hỏi vọng ra:
- Ai đó?
Linh hồn trả lời:
- Tôi.
- Tôi là ai ?
- Tôi là tôi.
Vì “tôi là tôi” nên không có đủ chỗ cho linh hồn. Trở về tu luyện một thời gian thật lâu, lần này khi nghe hỏi: “Tôi là ai ?”, linh hồn trả lời:
- Tôi là Thượng-Đế.
Do linh hồn trở thành một với Thượng-Đế,
nên trên thiên đàng có thể dung được anh ta. Tương tự như thế, khi nào
ta niệm Phật mà thấy mình và Ngài là một, thì tâm ta mới tương ứng với
tâm của các Ngài. Điều đó có nghĩa là, khi thấu rõ tự tánh các pháp đều
không, tất cả đều như huyễn, cái ngã tiêu dung, thì tự nhiên ta thể
nhập vào quỹ đạo của chư Phật Bồ-tát. Lúc ấy:
Năng lễ sở lễ tánh không tịch
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì.
Cả người lễ (năng) và chư Phật (sở) tánh đều không, khi ấy sự tương cảm tương ứng thật không thể nghĩ bàn!
Trên thực tế, ý thức chấp ngã vừa mãnh liệt vừa thâm sâu. Phân biệt ngã chấp là dạng thô phù dễ thấy, tuy mạnh mẽ nhưng có thể nhận diện và giải trừ; còn Câu sanh ngã chấp là
dạng vi tế ẩn tàng tùy miên (ngủ ngầm), mà người có công phu sâu dày
miên mật mới khám phá nổi. Như thế mới biết việc tu hành thật gian nan
tinh tế, đòi hỏi ý chí, nghị lực và lòng kiên nhẫn vô bờ, chứ không phải
một sớm một chiều mà thu được kết quả lớn như nhiều người lầm tưởng.
Nhưng một khi sự chấp ngã tiêu dung, ta sẽ có sức mạnh tinh thần rất lớn
để sống và làm việc. Ta sẽ vượt qua mọi chướng duyên nơi thân tâm và
cảnh, thường độc hành độc bộ mà không điều gì không biết, không việc gì
không làm để tròn bản nguyện tự lợi lợi tha.
Sau đây là bài kệ của Thiền sư Vạn Hạnh:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Tạm dịch:
Thân như bóng chớp có hoàn không
Cỏ xuân tươi tốt thu héo nồng
Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi
Thịnh suy như cỏ giọt sương đông.
Thân như ánh chớp lóe lên rồi tắt, sống trên đời vài mươi năm rồi lại ra đi. Nhất tức bất hồi thiên thu vĩnh biệt, mạng
sống chỉ trong hơi thở, một hơi thở ra không hít vào là từ giã cuộc
đời. Vạn vật bên ngoài cũng vô thường như thế, xuân đến trăm hoa đua nở,
mùa thu đã tàn tạ héo úa rồi. Không những vô thường theo năm tháng, mà
trong từng sát-na, các pháp luôn thay đổi chuyển dịch. Không những cõi
Người bị vô thường chi phối, mà cả sáu cõi ba đường đều sinh sinh diệt
diệt không dừng nghỉ. Hiểu rõ vô thường là quy luật tất yếu của cuộc
sống, người tu không còn động tâm trước cảnh thăng trầm thịnh suy, vì
tất cả chỉ như giọt sương trên lá. Các Thiền sư tự tại trước sinh tử,
xem như đắp chăn đông cởi áo hạ, chính vì thẩm thấu đến tột cùng lý Vô
thường; và cũng vì các Ngài thấy rõ, trong vô thường biến động có cái
chân thường bất biến, tuy các pháp là huyễn mà luôn ở trong Như.
Thật ra, lý Như-Huyễn Phật dạy rất sâu mầu, không thể chỉ vận dụng tư
duy mà hiểu thấu. Nhờ công phu Thiền tập, quán chiếu sự duyên sinh, vô
thường và tự tánh Không của thân tâm cảnh, dần dần ta mới có thể hội
được đôi phần. Một người mắt nhặm, nhìn ra nắng thấy hoa đốm loạn xạ
trong hư không. Hoa đốm thật có hay thật không? - Do mắt nhặm nên cho là
có sanh ra, thật sự chỉ là huyễn sanh. Vì huyễn sanh nên huyễn diệt.
Năm uẩn của con người và mọi pháp trong vũ trụ cũng như vậy. Chính lý
trùng trùng duyên khởi của Hoa-Nghiêm cho ta thấy sự sinh khởi và hoại
diệt huyễn mộng của pháp giới. Sự giả huyễn này là vô cùng vô tận, sinh
sinh hóa hóa không có ngày cùng.
Lại nữa, nhờ quán sát kỹ mọi pháp hữu vi đều là mộng huyễn, là bóng
bọt, là sương mù điện chớp, như lời Phật dạy trong kinh Kim Cang, ta mới
lần lần cảm nhận sự hư ảo bất thực của chúng. Khi đọc kinh hay nghe
giảng, chúng ta dễ dàng hiểu ý Phật Tổ muốn chỉ dạy điều gì, ngay cả
những điều khó tin khó hiểu. Tuy nhiên, từ hiểu biết đến hành trì có kết
quả là một chặng đường rất dài và rất đỗi gian nan. Chưa nói đến từng
sát-na sinh diệt của tâm mà chỉ Phật trí mới thấu suốt, đối với những
niệm vi tế, nếu không có sự tỉnh giác thường trực thì ta cũng đã bị
chúng dẫn lôi rồi. Đây là lý do khiến chúng ta phải miên mật công phu,
theo dõi từng biến chuyển của thân tâm, nhận diện và vô hiệu hóa chúng
bằng chánh niệm.
Tiến thêm một bước, hành giả nên tự hỏi rằng: “Thân tâm cảnh đều là pháp huyễn, vậy các pháp huyễn này lấy gì làm chỗ sở quy?” -
Chỗ sở quy ấy là bản tâm chân thật bất sanh bất diệt của chính mình.
Bản tâm ấy là tự thể của mọi huyễn thân, huyễn tâm và huyễn cảnh, nên
các pháp tuy huyễn mà vẫn ở trong Như tánh. Chỉ khi nào hành giả ở trong
trạng thái vô tâm hoặc trong Như-Huyễn tam-muội, mới hoàn toàn quán
triệt lý Như-Huyễn. Và chính Như-Huyễn tam-muội là phương tiện thù thắng
để hành giả trực nhận bản tâm. Do đó, tu là phải khéo ở trong Huyễn mà
nhận ra Như, từ đó phát khởi đại nguyện Như-huyễn, vận dụng thân tâm
Như-huyễn, thi thiết mọi phương tiện Như-huyễn, độ tận chúng sanh
Như-huyễn. Và cuối cùng, thành Phật Như-huyễn, an trú trong Niết-bàn
Như-huyễn. Thế gian đã huyễn mộng thì Niết-bàn thật có được sao ?
Chương Phổ-Hiền trong kinh Viên-Giác, Đức Phật dạy rất kỹ về lý
Như-Huyễn, trong đó có hai cách tu tùy trình độ căn cơ của hành giả:
Đối với bậc thượng căn đốn ngộ, bằng trực giác Bát-Nhã, các Ngài nhận
ra các pháp đều huyễn, tức thì lìa huyễn mà không kinh qua thứ lớp tu
tập. Lìa các pháp huyễn nhưng không sanh tâm trên nó, ngay đó là giác
chứ không theo cấp bậc (Tri huyễn tức ly bất tác phương tiện, Ly huyễn tức giác diệc vô tiệm thứ).
Khi biết rõ ràng các pháp mà nội tâm vẫn bất động, đây là cái Biết của
tự tánh. Biết huyễn tức lìa huyễn, lìa huyễn liền là Giác.
Đối với chúng sanh căn cơ bậc trung và hạ, Đức Phật từ bi lập bày
phương tiện tiệm thứ, phá hết lớp này đến lớp khác cho đến tận cùng gốc
rễ chấp trước của chúng sanh: Sáu căn là huyễn, sáu trần là huyễn, thức
tâm phân biệt cũng là huyễn nên phải xa lìa: đây là giai đoạn thứ nhất.
Đến cái tâm biết về sự xa lìa này vẫn là huyễn, cũng phải xa lìa: đây là
giai đoạn thứ hai. Giai đoạn thứ ba, Phật gọi là “lìa cái xa lìa huyễn”,
tức niệm vi tế về cái tâm xa lìa này, cũng còn là huyễn, do vậy cũng
phải buông sạch. Các huyễn diệt hết, hành giả bặt hết vọng niệm, từ thô
đến tế, nhưng không rơi vào trạng thái ngoan không, mà cái “liễu liễu thường tri”
rõ ràng hiện bày, như mây tan trăng hiện. Lúc này, hành giả an nhiên tự
tại trong dòng đời, làm ngược làm xuôi không xa rời tự tánh, dạo chơi
các cõi mà vẫn ở trong chánh định. Tế-Điên Hòa-thượng nửa thực nửa hư là
hình ảnh sống động của một người đạt đạo, thanh thản vân du đây đó, tùy
duyên hóa độ chúng sanh:
Người bảo Ngài điên, Ngài chẳng điên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Hóa độ chúng sanh phiền não dứt
Đường trần thanh thản bước thần tiên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét