I. CHỈ THẲNG TÂM NGƯỜI
Trong nhà Thiền có một bài kệ nổi tiếng, được xem như kim chỉ nam để giáo huấn môn đệ, tương truyền là của Tổ Bồ-đề Đạt-Ma:
Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật.
Dịch:
Không lập văn chữ
Ngoài giáo riêng truyền
Chỉ thẳng tâm người
Thấy tánh thành Phật.
Hai câu đầu trong bài kệ đã gây nhiều ngộ nhận nơi các nhà học Phật.
Có người còn chỉ trích Thiền tông là quái thai của Phật giáo, vì cho
rằng nhà Thiền chủ trương bài bác kinh điển. Lời chỉ trích này có đúng
không? Đức Phật từng bảo: “Lời ta nói như ngón tay chỉ mặt trăng; đừng lầm ngón tay với mặt trăng”. Những
điều Phật dạy ghi trong Kinh giáo là phương tiện để chúng ta nương đó
mà thấy được chân lý, chứ văn tự ngữ ngôn không phải là chân lý đích
thực. Con người thường bị vướng mắc trên chữ nghĩa nên không hiểu những
ẩn ý ngoài lời, cũng như mãi chấp vào ngón tay nên không bao giờ nhìn
thấy mặt trăng trên cao. Nhà Thiền không lập văn tự cốt để sử dụng văn
tự đúng với vai trò và tính chất của nó, chứ không phải chủ trương dẹp
bỏ Kinh giáo. Tổ Đạt-Ma khi truyền y bát cho Tổ Huệ Khả, đâu không dạy
phải dùng bốn quyển kinh Lăng-Già làm chỗ ấn tâm? Lục Tổ Huệ Năng chẳng
phải trực nhận tự tánh thanh tịnh nhờ nghe Ngũ Tổ giảng kinh Kim-Cang?
Và những ngữ lục của các vị Tổ sư Thiền, có phải đến giờ vẫn còn rất
nhiều so với các tông phái khác?
Như vậy, để khai thị cho môn đệ và cho những người hữu duyên đến tham vấn, các vị Thiền sư đã sử dụng phương pháp giáo dục nào?
Các Ngài có cách chỉ tâm người một cách mạnh mẽ, chớp nhoáng và trực
tiếp; cách chỉ không tìm thấy ở bất cứ quyển kinh nào, vì thế gọi là chỉ
thẳng tâm người và truyền riêng ngoài giáo lý. Thuật tác động thẳng này
là phương pháp sinh động và đầy sáng tạo của những Thiền sư đã chứng
ngộ, bắt môn đệ phải tiếp cận ngay thực tế sinh động để trực nhận chân
lý. Quả thật nó rất kỳ đặc và khó hiểu đối với người công phu yếu kém,
nhưng vô cùng lợi ích cho người có căn cơ bén nhạy.
Vì sao các Ngài thích dùng thuật tác động thẳng để khai tâm? - Thật
ra, người thầy có thể sử dụng nhiều phương cách đối với học trò: hoặc
dựa vào sách vở, hoặc dùng ngay kinh nghiệm bản thân. Thầy cũng có thể
đưa trò đến tận nơi, trực tiếp cho thấy, cho nghe, cho tiếp xúc với
chính đối tượng cần nghiên cứu, để tự người học trò nhận định và thấu
suốt vấn đề. Lối dạy và học bằng trực quan sinh động tỏ ra có nhiều kết
quả tốt, nên đã được xem là phương pháp giáo dục chủ yếu ngay từ các lớp
Trung học Phổ thông.
Một ví dụ về người chưa từng ra khỏi xóm làng của mình. Khi nghe kể
về đất nước và con người Ấn Độ, người ấy cũng chỉ có một khái niệm mơ
hồ. Hình ảnh Ấn Độ trong tưởng tượng của người ấy đôi khi khác xa, thậm
chí trái ngược với thực tế. Đối với một đất nước cụ thể như thế mà còn
khó cảm nhận, huống chi với những gì trừu tượng vô hình, thì càng khó
diễn đạt và thấu hiểu đến đâu? Đặc biệt hơn cả, đó là bản tánh thường
hằng của mọi loài chúng sanh, vốn là cái “vô nhất vật” không
thấy được bằng mắt thường, không thể trình bày bằng ngôn ngữ, không thể
hiểu bằng ý thức phân tích tư duy, thì ngay cả Bậc Thầy của Trời người,
suốt 49 năm thuyết giảng cũng chưa nói được lời nào dính dáng. Như vậy,
với tâm lão bà tha thiết, Đức Phật và chư vị Tổ sư phải làm thế nào để
môn đệ mình nhận ra gia tài vô giá sẵn có?
Kinh A-hàm có đoạn kể, một hôm Đức Phật đưa nắm lá vàng trong tay ra và hỏi chư Tỳ-kheo: “Lá trong tay ta nhiều hay lá trong rừng nhiều?”. Các Tỳ-kheo bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Lá trong rừng nhiều vô số, còn lá trong tay Thế Tôn thì chẳng bao nhiêu”. Đức Phật bảo: “Những điều ta nói với các ông chỉ như nắm lá trong bàn tay, còn những gì ta biết như lá trong rừng”.
Vì sao Đức Phật từ bi lại giấu giếm chúng ta nhiều điều như thế? Cho
đến các vị Tổ sư sau này, khi được hỏi về đại ý Phật pháp, cũng chỉ trả
lời bằng tiếng hét, bằng gậy đánh hoặc bằng những câu vô nghĩa. Như vậy,
các Ngài có thật tâm giáo hóa môn đệ đến giác ngộ giải thoát? - Những
cách chỉ dạy này mới nghe qua tưởng như đùa chơi, nhưng thật sự các Ngài
đã phơi bày tận xương tủy. Con người thường thích suy luận phân tích
đối với mọi sự vật hiện tượng, nên chỉ có khái niệm mơ hồ chung quanh
vấn đề, chứ hiếm khi hiểu thấu đáo về bản chất của chúng. Đã vậy, họ lại
thỏa mãn với vốn hiểu biết nôâng cạn ấy, chấp chặt đó là đúng đắn, là
chân lý, nên không thể thẩm thấu sự thật tuyệt đối. Mà sự thật tuyệt đối
là cảnh giới tâm chứng, không có văn tự ngữ ngôn nào diễn tả một cách
thấu thể, càng nói càng xa, càng tưởng tượng càng sai. Các Ngài biết
rằng thế trí biện thông đôi khi làø chướng ngại cho sự phát sinh trực
giác, nên bằng một thủ thuật mạnh bạo, chỉ một đường gươm là chặt đứt
ngang dòng tư tưởng lan man dằng dặc của ý thức. Bặt hết đường suy nghĩ,
tâm trở nên rỗng không, mới có cơ hội tiếp thu chân lý Thiền!
Một ví dụ khác, có người muốn tìm kho báu tổ tiên, nhưng không biết
đường đi nên phải nhờ người hướng dẫn. Nếu người hướng dẫn có bản đồ kho
báu, vị ấy sẽ chỉ cho anh ta từng chặng đường theo bản đồ, để anh ta
lần hồi đi đến đích. Nhưng nếu vị ấy đã từng đến đó, đã mở cửa kho báu
và đã tận mắt thấy vàng bạc châu ngọc đầy dẫy, vị ấy sẽ làm thếâ nào?
Nhất là đối với kẻ đã đứng trước cửa kho tàng mà còn ngơ ngác không thấy
lối vào, người hướng dẫn có cần dùng bản đồ hay dùng nhiều lời chỉ dẫn
quanh co nữa không? - Vị ấy chỉ cần đẩy mạnh anh ta đến thẳng nơi vàng
bạc châu báu, tự anh ta sẽ nhận ra. Các vị Thiện tri thức thuộc phái
Thiền Đốn ngộ cũng làm như thế. Các Ngài đã nhận ra và đã sống bằng thể
tánh bất sanh, nên khi gặp người nào có thể lãnh hội, các Ngài liền dùng
thủ thuật chỉ thẳng bản tâm. Đây là lối dạy để cho người THẤY chứ không
phải để HIỂU, nghĩa là giúp người nhận chân sự thật bằng trực giác chứ
không qua ý thức phân biệt nhị nguyên. Lối dạy này không dựa vào văn tự
kinh điển, không theo phương pháp giáo dục từ chương, nên không lập trên
chữ nghĩa và ngoài giáo riêng truyền. Có thể nói, đây là những phương
tiện quyền xảo của những Thiền sư đã thấy Đạo, nên rất linh hoạt, muôn
màu muôn vẻ, thay đổi tùy trường hợp, và chỉ thích ứng với đương cơ.
Điều này giải thích tại sao trong đại chúng đông đảo mà thường chỉ có
một người khế hội.
Trong các kinh điển Đại thừa, dù Đức Phật giảng dạy dưới nhiều hình
thức, khi rõ ràng khi ẩn dụ, lúc chỉ thẳng lúc dùng những hình ảnh huyền
diệu khó tin, nhưng tựu trung có một điểm nhất quán: Khởi đầu, Đức Phật
thường chỉ thẳng cho những bậc thượng trí trực nhận tánh giác bản lai;
sau đó, Ngài mới vì hàng trung - hạ căn mà diễn bày cách tu hành tiệm
thứ. Như trong kinh Lăng Nghiêm, mở đầu Phật dạy về Chân tâm thường trụ, kế
đến mới nói về chánh nhân và trợ nhân tu hành. Kinh Viên Giác, hai
chương Văn Thù và Phổ Hiền dành cho hàng căn cơ bậc thượng, những chương
sau mới dạy về thứ lớp tu tập. Như vậy, bản ý của Ngài là luôn muốn
người nghe lãnh hội ý nghĩa uyên áo của Đạo bằng lối đi trực tiếp từ tâm
qua tâm. Đây là cách truyền đạt theo đường tâm pháp nội tu hay ngoại giáo tâm truyền,
khiến đương cơ có thể thẩm thấu chân lý một cách nhanh chóng và hiệu
quả nhất. Nhưng rất tiếc là ít người có đủ phước duyên lãnh hội, nên
Ngài phải đưa ra những pháp tu theo thứ lớp, gọi là nội giáo công truyền,
để mọi người đều tìm được pháp tu thích hợp cho mình. Về sau, các vị
Thiền sư cũng tùy căn cơ trình độ của môn đệ mà dùng nhiều cách khai tâm
khác nhau. Đọc Thiền sử, chúng ta thấy lạ lùng vì lối dạy của Tổ
Hoàng-Bá: Đối với Ngài Lâm-Tế, Tổ chỉ dùng gậy đánh khi được hỏi về đại ý
Phật pháp; nhưng khi Tướng quốc Bùi Hưu hỏi “Thế nào là Phật ?”, Tổ lại giảng rõ ràng: “Tức tâm là Phật, vô tâm là Đạo”. Đó
là vì người mà chỉ dạy tận tình, không chút gì giấu giếm. Tướng quốc là
cư sĩ, bận trăm công ngàn việc, đâu có thì giờ ôm ấp trăn trở về một
vấn đề, cũng không thể đi tham vấn nhiều nơi, nên Tổ phải dùng nhiều lời
để trình bày về điều không thể trình bày. Còn đối với Ngài Lâm Tế, Tổ biết là một bậc pháp khí, nên bắt Ngài ngày đêm không yên với mối nghi ngày càng lớn “Vì sao hỏi một câu chí lý như vậy mà bị đánh? Hỏi câu ấy có lỗi hay không lỗi?”.
Nhờ Ngài Đại Ngu điểm nhẹ một cái, khối nghi bùng vỡ, thế là đại ngộ,
và dòng Thiền Lâm Tế vẫn còn luân lưu tươi nhuận mãi đến ngày nay.
Trong hành trạng của các Thiền sư, đôi lúc chúng ta thấy việc đại ngộ
của các Ngài sao quá đễ dàng, chỉ cần vị Thầy nói một câu hay làm một
động tác là trò lãnh hội yếu chỉ. Thật ra, vị ấy đã bao năm ôm mối nghi,
bao lần quảy gói đi hành khước, chúng ta làm sao biết được? Chỉ ở thời
điểm cuối cùng, đủ duyên gặp thiện tri thức, thì như trái cây đã chín,
chỉ một làn gió nhẹ cũng làm rơi rụng, nhờ Thầy dùng thủ thuật thích
hợp, vị ấy chợt nhận ra bản tâm hằng hữu xưa nay. Thủ thuật ấy chỉ đặc
biệt phù hợp với đương cơ, chỉ ích lợi cho riêng đương cơ mà thôi, chứ
không phải áp dụng được cho tất cả mọi người.
II. THẤY TÁNH THÀNH PHẬT
Lục Tổ chủ trương “Chỉ luận kiến tánh”. Nhà Thiền đề cao,
kiến tánh là điều kiện tiên quyết để vào Đạo. Có thể nói, sinh mạng của
Thiền là khai ngộ, vì nếu chưa một lần mở mắt trí tuệ thì trong đời tu,
có thể gặp nhiều chướng duyên phiền não khó lòng vượt qua nổi. Trong tứ
quả Thanh Văn, địa vị thấp nhất là Tu-đà-hoàn, cũng phải kiến đạo mới
bước vào dòng Thánh, chỉ còn bảy lần sinh tử rồi không còn trở lui cảnh
giới lục đạo. Theo Giáo môn, Bồ tát Sơ địa là quả vị đạt chân tâm thường
trụ, không bao giờ thối chuyển. Nhà Thiền cũng tương tự, hành giả đã
kiến tánh tức đủ chánh nhân thành Phật. Đối với các vị, “ngộ” là
con đường trực tiếp để đưa các vị đến cảnh giới vút cao của tâm linh,
là một cuộc cách mạng từ đời sống nội tâm. Giác ngộ tột cùng là cuộc
cách mạng toàn triệt, vị ấy sẽ tự biết tạo sinh kế cho riêng mình, không
ai ảnh hưởng khuynh loát được họ. Họ biết sống và làm việc thế nào để
tự lợi và lợi tha. Họ hướng dẫn người khác bằng kinh nghiệm tự thân, nên
không theo một khuôn mẫu nào cố định. Người con lúc trưởng thành không
còn nhờ vã cha mẹ mà tự lo lấy cuộc sống cho mình, người học trò giỏi
cũng như vậy. Họ không rập khuôn theo thầy mà biết đưa con đường thầy
vạch ra đến mục tiêu xa hơn. Tự họ sẽ vươn lên và vượt qua mọi khó khăn
trở ngại. Tự họ sẽ mở ra những cuộc phiêu lưu thầm lặng, và đó chính là
điều kiện giúp họ luôn sống trong thế giới sáng tạo của riêng mình. Phát
minh sáng tạo là sức sống và đặc chất của Thiền. Một Thiền giả có óc
sáng tạo không bao giờ đi theo lối mòn của truyền thống. Họ có khả năng
tư duy độc lập, và bằng kinh nghiệm kiến chiếu và tiềm năng thiên tư, họ
làm phong phú thêm truyền thống ấy.
Hermann Hesse trong Câu chuyện dòng sông đã đưa hình tượng
một Tất Đạt Đa có thể biểu trưng cho loại người phiêu lưu sáng tạo này.
Chàng đã đến với Cồ Đàm, Bậc giác ngộ, nhưng không dừng lại ở đó để tìm
chân lý, vì chàng biết rằng: “Không ai tìm được giải thoát qua những
lời chỉ giáo. Lời chỉ giáo của Đấng Giác ngộ bao hàm rất nhiều điều,
nhưng có một điều mà giáo lý sáng sủa và giá trị ấy không chứa đựng. Đó
là những gì huyền bí mà Đấng Giác ngộ đã chứng nghiệm”. Vì không
tìm được giải thoát qua lời dạy, nên Tất Đạt phải lao vào cuộc đời, học
tất cả những lạc thú và khổ đau trần thế, trải qua bao nhiêu bài học về
sự điên rồ của một cuộc đời vô vị trống rỗng. Cuối cùng, trong tiếng OM
của dòng sông, chàng đi vào chiều sâu thăm thẳm của chính tâm hồn mình
để trực nhận con người hằng hữu. Từ đó, chàng nhận ra, trong từng tảng
đá, từng đóa hoa dại..., nơi nào cũng hiển hiện pháp thân thường trụ.
Đây là ý nghĩa của hoa sen mọc từ vũng bùn rồi nở hoa giữa hư không, của
Niết-bàn trong trần gian khổ ải.
Nhưng có khi nào chúng ta thắc mắc: “Tánh là gì? Vì sao kiến tánh được xem là mục tiêu tối hậu của đời tu?”. Đức
Phật trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp tu Bồ-tát hạnh hành Bồ-tát đạo, đến khi
tự giác - giác tha - giác hạnh viên mãn mới thành Phật. Nay nhà Thiền
lại nói: “Kiến tánh thành Phật” thì quả là khó tin khó nghĩ. Chúng ta phải hiểu những vấn đề này như thế nào?
Nếu có người hỏi: “Nước là gì?”, ta phải trả lời sao cho
đúng? Nước là biển hay là sông, là ly nước ta đang cầm hay cái hồ trước
mặt? Nếu cho nước một hình tướng của sông của biển, ta đã giới hạn một
pháp không thể giới hạn. Mặt khác, dòng sông đang trôi chảy, ta không
thể xác định điểm nào là sông, cũng không nên chận đứng dòng sông để tìm
bản chất của nước. Tánh cũng như thế, không có hình thức nên không bị
sinh diệt, nhưng không thể tìm tánh ở ngoài sự lưu nhuận sinh
diệt.
Một ví dụ khác, một bó hoa có nhiều bông hoa, mỗi bông hoa có hình
dạng và màu sắc khác nhau. Nhưng chúng có một điểm chung nhất: Tất cả
đều do các duyên tụ hợp. Chúng do duyên hợp nên bình đẳng ở thể tánh
không. Tuy thể tánh không nhưng tùy duyên mà có dạng sắc khác nhau. Tánh
là bình đẳng, không phức tạp đa thù, nhưng rời cái đa thù phức tạp thì
không thể thấy tánh. Đối với các pháp, chúng ta hay phân tâm trên nó, do
ý thức phát sinh nhiều vọng tưởng điên đảo, nên không thấy được Bình đẳng tánh của chúng. Lại nữa, nếu chúng ta quán chiếu các pháp mong thấy được tự thể không, đó là ta đã đặt tâm năng quán trên cảnh sở quán,
không thể nhận chân được sự thật. Tâm năng quán và cảnh sở quán đều
thuộc về tánh, nhưng nếu phân ranh cái này với cái kia, dùng năng quán
sở, thì đã xa tánh muôn trùng! Khi tâm ta hoàn toàn thanh tịnh rỗng
rang, không có một niệm khởi mà vẫn biết rõ ràng các pháp, tự nhiên tánh
hiện bày, chưa từng thiếu vắng.
Như vậy, tánh là bình đẳng nhất như, là năng lực sống lặng lẽ mà hằng
tri, là suối nguồn linh động trôi chảy trong vạn pháp. Toàn bộ vũ trụ
đều không ngoài tánh. Ứùng dụng vào thế gian sinh diệt là diệu dụng, là
phần nổi của tánh, cũng như những đợt sóng trên mặt đại dương. Nhưng
ngay trong tự thân của biển, dù có những khi biển động, vẫn là sự bình
ổn, vẫn là trật tự nhất định, cũng như thể tánh vốn thanh tịnh như như.
Chúng sanh lăn lộn trong sáu đường, lúc mang hình thức này, khi có bộ
mặt khác, nhưng tựu trung đều là thể tánh thanh tịnh này.
Thấu triệt rằng, tất cả các pháp dù biến chuyển cách mấy cũng không
ra khỏi cội nguồn nguyên thủy bất di dịch, nên Thiền tông chủ trương
ngay nơi động mà khai tâm. Chủ động khai tâm là diệu thuật được Đức Phật
sử dụng lần đầu nơi hội Linh Sơn. Hoa lưu động khẩu ưng trường tại.
Một cành sen đưa lên, cả hội chúng ngơ ngác, chỉ riêng Ngài Ca Diếp mỉm
cười ! Nụ cười biểu hiện một thực tại vĩnh hằng - không có gì đã là,
không có gì sẽ là, muôn pháp đều thực tại, hiện hữu nơi đương xứ. Tâm
Phật và tâm Ngài tương ứng, nên Phật truyền trao tâm ấn. Tâm
truyền tâm không phải là có một cái tâm của thầy truyền qua tâm trò, mà
có nghĩa là truyền riêng ngoài giáo, thầy dùng diệu thuật ngoài kinh
điển chữ nghĩa chỉ thẳng cho trò nhận ra tự tánh hằng tri hằng giác của
mình. Khi trò có trình độ tâm linh tương ứng với thầy, cái thấy của thầy
và trò không khác, thầy liền ấn chứng. Đây là ý nghĩa của từ “truyền tâm ấn” trong nhà Thiền.
Tóm lại, như tất cả đợt sóng trên biển đều là nước, Thánh hay phàm
cũng cùng một mảnh đất tâm mà lưu xuất. Quên bản tâm chạy theo vọng
tưởng, mải mê tạo nghiệp là chúng sinh; nhớ lại bản tâm và hằng sống với
nó là giải thoát, là Phật Bồ tát. Nói khác đi, mê tự tánh là chúng
sinh, thấy tánh là Phật. Như vậy, Thánh và Phàm, Phật và chúng sinh cách
nhau bao xa? - Chỉ khác nhau ở chỗ nhớ hay quên tự tánh. Do đó, thấy
bản tánh hằng hữu là chánh nhân thành Phật; hành giả nỗ lực gột sạch tập
khí, bào mòn bản ngã, dứt khoát thành tựu Phật quả không nghi. Câu kệ “Thấy tánh thành Phật” quả thật không có gì quá đáng, chỉ vì hiểu sai ý của người xưa nên có sự tranh luận phản bác mà thôi.
Một điều chúng ta cần hiểu rõ, đó là điểm khác nhau cơ bản trong hai pháp Thiền: Pháp thứ nhất chủ
trương chận đứng mọi hoạt động tâm lý, quét sạch mọi vọng niệm, tìm sự
thanh tịnh lặng lẽ và an thân lập mạng ở đó. Phương pháp này thích hợp
với nhiều người, nhất là trong thời đại công nghiệp hiện đại tiến đến
nền kinh tế hậu công nghiệp, trong đó tiềm lực trí tuệ đóng vai trò một
thứ hàng hóa. Con người mãi quay cuồng và bị lôi kéo theo đà phát triển
vật chất, từ đó gặp nhiều phiền não và bất như ý trong cuộc sống. Vì
thế, họ muốn dẹp trừ vọng tưởng để có sự bình ổn nội tâm, cuối cùng đạt
đến mức vắng lặng an nhiên. Lối tu này giúp con người trở nên thánh
thiện, nhưng là trạng thái si định, ít có trí tuệ nên dễ đưa đến thiên
chấp cực đoan. Pháp Thiền thứ hai tức Thiền Đốn ngộ, xem Thiền
như một phương tiện giúp hành giả nhận ra bản tâm. Lúc đầu do còn đa
niệm, hành giả phải buông bỏ vọng tưởng, nhưng xem sự ức chế này như một
cách để thấy được lẽ thật. Sau khi thấy lẽ thật rồi thì không đặt vấn
đề vọng hay chơn nữa, vì cả hai đều cùng một thể tánh, luân phiên đắp
đổi cho nhau. Cũng như một kẻ tội đồ, không phải đang tiến hóa trên
đường trở thành Phật, mà Đức Phật tiềm năng đã sẵn có trong anh ta từ
thuở nào. Thế giới này không phải bất toàn và đang từ từ chuyển đổi để
đạt đến toàn thiện, mà trong từng phút giây nó đã hoàn hảo. Thiền giả
khi có cái nhìn thấu thể vào tận cùng uyên nguyên của cuộc sống, sẽ thấy
trong các pháp vô thường đã có sẵn cái chân thường, trong sinh diệt đã
có sự sống vĩnh cửu. Đây là nét độc đáo của Thiền Đốn-ngộ mà ít người
chấp nhận được. Nhưng nếu ai có thể thưởng ngoạn nét đẹp này, sẽ tiến
rất nhanh trên đường đạo. Vì vậy có thể nói, Thiền Đốn-ngộ là đường
thẳng tắp chim bay, là tinh ba của Đạo, là đóa kỳ hoa cuối cùng trên cây
Phật giáo.
III. MỘT SỐ THỦ THUẬT KHAI TÂM
Những chuyện kể ra sau đây, trích từ hành trạng của các Thiền sư, có
tính cách gợi ý để chúng ta tự mình khám phá. Do mỗi người có cách nhận
định khác nhau, nên sự trình bày trong phần này không nhất thiết giống
hoàn toàn với ý người đọc. Một điểm đặc biệt, những vị đã triệt ngộ thì
toàn thân đều là Đạo, nên mỗi cử chỉ lời nói của các Ngài đều có thể là
thủ thuật khai tâm. Vì thế, các môn đệ phải luôn chú ý từng cách biểu
hiện của Thầy để nắm bắt kịp thời những gì Thầy muốn truyền đạt. Khi
nhận được lời nói trong vô ngôn thì pháp giới hiển lộ chân tánh, còn giấu giếm điều gì?
Trong kinh diễn tả khi Đức Phật thuyết pháp, đại địa chấn động sáu
cách. “Đại địa” là thân tâm người nghe, “chấn động sáu cách” là sự biến
chuyển kỳ diệu nơi sáu căn. Đây là trạng thái đột biến của người bắt đầu
nhập Đạo. Do sáu căn là nguồn gốc sinh tử nếu mải mê đuổi theo sáu
trần, nhưng cũng là nguồn gốc giải thoát nếu biết phản tỉnh nhận ra tự
tánh, nên các Thiền sư thường nhắm vào sáu căn để khai tâm. Vì tự tánh
vốn rỗng rang không hình tướng, lại biểu hiện sức sống ở sáu căn, nên
muốn nhận ra cái không hình tướng, phải khéo nhờ phương tiện sáu căn
(Nhà Thiền thường gọi là sáu cửa) này.
Nhắc lại tích Niêm hoa vi tiếu nơi hội Linh Sơn. Vì sao Ngài Ca Diếp mỉm cười khi Đức Phật đưa cành hoa sen lên? Vì sao ngay đó Đức Phật bảo: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, nay trao phó cho Ca Diếp”? Câu chuyện này diễn giải đầy đủ ý nghĩa của cụm từø “Kiến sắc minh tâm”. Ngài Ca Diếp nhìn hoa sen (sắc), nhận ra Tánh thấy
là diệu dụng của bản tâm. Tâm Thầy và tâm trò không hai không khác, nên
Thầy ấn chứng cho trò. Sau này, chư Tổ thường áp dụng nhiều thủ thuật
tương tự để đương cơ trực nhận bản tâm: Câu Chi giơ ngón tay, Cảnh Thanh
dựng phất tử, Bá Trượng đưa than lửa cho Qui Sơn... Từ nhãn căn nhận ra
Tánh thấy gọi là cửa Văn Thù, một trong hai cửa thường được sử dụng
(cửa kia là nhĩ căn, cửa Quan Âm), vì đây là hai căn tiếp xúc nhiều nhất
với trần cảnh, dễ bị lôi cuốn nhưng cũng dễ xoay lại chính mình.
Đến Ngài A-Nan, lại ngộ bằng Tánh nghe. Một hôm Ngài hỏi Tổ Ca Diếp:
- Khi Thế Tôn phó chúc và truyền y kim lan cho sư huynh, còn truyền pháp riêng gì nữa chăng?
Tổ Ca Diếp liền gọi:
- A-Nan !
Ngài ứng thinh:
- Dạ.
Tổ bảo:
- Cây phướn trước chùa ngã lật ngược.
Ngài A-Nan nhân đây tỏ ngộ.
Thủ thuật gọi, hay dùng tiếng để đương cơ trực nhận Tánh nghe cũng
được nhiều vị Thiền sư áp dụng: Tổ Lâm Tế hét, Ngài Qui Tông gõ đỉnh
diễn tả sức diệu trí Quan-Âm. Ngài Linh Mặc tham vấn Thiền sư Thạch Đầu,
tự hẹn nếu một câu khế hợp thì ở lại, không khế hợp thì ra đi. Khi hỏi
đáp thấy mù mịt không hiểu, Ngài từ giã. Sư chờ lúc Ngài ra cửa, gọi
lớn: “Xà-lê!”. Ngài quay nhìn lại, Sư bảo: “Từ sanh đến tử chỉ là cái ấy, xoay đầu chuyển não làm gì?”. Ngài Linh Mặc đại ngộ. Trước khi gọi, ai đang đi? Ai nghe gọi? Ai xoay đầu? Trước sau cũng chỉ là “cái ấy”!
Khai thị qua thân căn, chúng ta nghe chuyện Ngài Văn Môn xin yết kiến Thiền sư Mục Châu. Sư mở cửa, nắm đứng lại và bảo: “Nói! Nói!”.
Vân Môn suy nghĩ liền bị xô ra, một chân còn trong ngạch cửa. Mục Châu
đóng ập cửa lại, nghiền dập bàn chân Vân Môn. Vân Môn đau quá la to,
bỗng nhiên đại ngộ. Biết đau đó là người nào?
Ngài Bá Trượng lúc còn là môn đệ của Mã Tổ, một hôm theo hầu Tổ dạo vườn. Thấy bầy vịt trời bay qua, Tổ hỏi: “Cái gì vậy?”. Ngài trả lời: “Bầy vịt trời”. Lát sau Tổ hỏi: “Đi đâu rồi?”. Ngài thưa: “Bay qua rồi”. Nếu ngay đây nhận ra Tánh thấy thì Ngài đâu bị Tổ nắm mũi vặn một cái đau thấu trời xanh. Khi Bá Trượng đau quá la lên, Tổ bảo: “Sao không nói bay qua đi?”. Nhân cái đau, Ngài liền tỏ ngộ. Cái gì biết có bầy vịt trời, cái gì biết đau, cái đó đâu từng mất?
Nhờ hương trần nhận ra tự tánh, có câu chuyện nhà nho Hoàng Sơn Cốc, học đạo với Thiền sư Hối-Đường Tổ-Tâm. Sư bảo: “Bên Nho gia nói: Mọi việc rõ ràng, đâu có giấu giếm gì?”.
Hoàng mở miệng định nói, Sư ngăn lại. Như vậy nhiều lần. Cuối cùng, Sư
dẫn Hoàng lên núi, thấy hoa quế nở rộ, thơm ngát cả một vùng. Sư hỏi: “Ông có nghe mùi hương hoa quế không ?”. Hoàng gật đầu. Sư nói: “Đâu có giấu giếm gì ?”. Hoàng chợt ngộ, đảnh lễ tạ ơn.
Ngài Huệ Hải đến tham vấn Mã Tổ. Tổ hỏi: “Ông đến đây cầu việc gì?”. Ngài thưa: “Con đến cầu Phật pháp”. Tổ nạt: “Kho báu nhà mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy tìm cái gì? Ta trong ấy không có một vật, cầu Phật pháp cái gì?”. Ngài đảnh lễ thưa: “Cái gì là kho báu trong nhà của Huệ Hải?. Tổ bảo: “Cái ông hỏi Ta đó!”.
Ngay đó, Ngài Huệ Hải chợt nhận ra bản tâm. Nếu không có kho báu trọn
quyền sử dụng, làm sao biết thưa hỏi nói năng? Đây há chẳng phải nhờ động lưỡi mà nhớ lại tánh giác hằng hữu đó sao?
Khai thị nhờ ý căn là những câu chuyện thường truyền tụng trong nhà Thiền. Tổ Bồ-đềø Đạt-Ma bảo Ngài Thần Quang: “Đem tâm ra ta an cho!”. Khi Ngài Thần Quang thưa: “Con tìm tâm không được”. Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi!”. Hoặc lời dạy đơn giản của Lục Tổ lúc Ngài Huệ Minh đuổi theo giành y bát: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh ?”. Khi
không còn suy nghĩ lăng xăng phân biệt, tâm lúc đó lặng yên; lặng yên
nhưng hằng rõ biết mọi việc xung quanh. Cái biết đó là gì?
Chúng ta thấy, những lối khai tâm như thế này nhằm khơi nguồn trí tuệ
sắc bén phát sinh từ tự thân hành giả. Muốn đương cơ đến được chỗ bản
nhiên tĩnh lặng mà thường biết, không có con đường nào ngắn hơn đường
truyền từ tâm qua tâm. Đây là lối đi riêng, truyền thừa ngoài giáo điển,
đòi hỏi người trò phải có trực giác bén nhạy và căn cơ đặc biệt, người
Thầy đã liễu ngộ lý Thiền, biết khế cơ, khế thời để giúp trò khám phá
những điều kỳ diệu trong mảnh đất tâm. Khi trò đã vén mở bí mật ngàn đời
sẵn có ấy, trò có cách trình lên Thầy chỗ sở đắc của mình, và Thầy cũng
có cách riêng công nhận cái thấy của hai Thầy trò không khác. Nhà Thiền
gọi là ấn chứng, truyền tâm ấn hoặc tâm ấn tâm. Chúng ta hãy nghe những đoạn đối đáp tiêu biểu:
Một ngày nọ, Ngài Huệ Khả thưa cùng Tổ Đạt-Ma: “Tâm con đã bặt hết các duyên”. Tổ bảo: “Coi chừng rơi vào không”. Ngài đáp: “Rõ ràng thường biết, nói không thể đến”. Tổ ấn chứng bằng câu: “Ôâng như thế, ta như thế, chư Phật cũng như thế!”.
Ngài Huệ Năng, dù vẫn còn là cư sĩ, đã được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn bí mật gọi vào thất giảng kinh Kim Cang, đến đoạn: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài hoát nhiên đại ngộ, kêu lên: “Đâu
ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh! Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt! Đâu
ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ! Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động! Đâu ngờ
tự tánh hay sanh muôn pháp!”. Ngũ Tổ biết Ngài đã kiến tánh, bảo rằng: “Chẳng
biết bản tâm, học pháp vô ích. Nếu biết được bản tâm mình, thấy bản
tánh mình, tức gọi là Trượng phu, là Thầy của Trời người, là Phật”. Cư sĩ Huệ Năng được truyền y bát, trở thành Thiền Tổ Huệ Năng - Tổ thứ sáu Thiền tông Trung-Hoa.
Trường hợp Ngài Lâm Tế lại càng kỳ đặc. Người khai tâm là Tổ Hoàng
Bá, nhưng phải nhờ Thiền sư Đại Ngu điểm nhãn mới đại ngộ, nên trình
kiến giải với Thiền sư Đại Ngu bằng một cách không ai dám làm: Sau ba
lần hỏi về đại ý Phật pháp đều bị Tổ cho ăn gậy, Ngài Lâm Tế khóc từ giã
Tổ ra đi, vì cho là mình không có duyên ở trong pháp hội của Tổ. Tổ chỉ
cho Ngài lên nương nhờ Thiền sư Đại Ngu. Được Sư hỏi, Ngài thưa: “Con ba lần thưa hỏi Hòa thượng Hoàng Bá về đại ý Phật pháp, ba lần đều bị đánh. Không biết con có lỗi hay không lỗi?”. Sư bảo ngay: “Hoàng Bá thật là tâm lão bà tha thiết, vì ngươi chỉ chỗ tột cùng. Ngươi còn ở đây nói có lỗi không lỗi!”. Ngài Lâm Tế ngay đây đại ngộ, thốt lên: “Vậy thì Phật pháp của Hoàng Bá rất ít!”. Sư nắm lại bảo: “Vừa rồi nói có lỗi - không lỗi, giờ lại nói Phật pháp của Hoàng Bá rất ít. Ngươi thấy đạo lý gì, nói mau !”. Ngài Lâm Tế lặng thinh, thoi vào hông Sư ba cái. Sư xô ra, cười rằng: “Thầy của ngươi là Hoàng Bá, không can dự gì đến ta!”. Thấy
được chỗ tột cùng, Ngài Lâm Tế còn có cách gì diễn đạt, ngoài việc thoi
vào hông người đã giúp đỡ mình? Và Thiền sư Đại Ngu, bằng cử chỉ và lời
nói tưởng không dính dáng gì đến lý Thiền, đã ngầm chỉ ba điều quan
trọng: Thứ nhất, “có lỗi - không lỗi” là hai bên, không kẹt hai bên là thấy Đại ý Phật pháp. Thứ hai, ấn chứng cho Ngài Lâm Tế; và Thứ ba, chứng tỏ đạo đức của một vị Thiền sư - Thầy của ngươi là Hoàng Bá chứ không phải ta; muốn báo đáp ân Thầy, nên trở về Hoàng Bá. Câu
chuyện như một vở kịch đầy chất đạo và chất thơ, trong đó có sự gắn bó
chặt chẽ giữa các nhân vật: Tổ Hoàng Bá - Ngài Tri sự Trần Tôn Túc -
Thiền sư Đại Ngu - Ngài Lâm Tế. Ngài Trần Tôn Túc là đạo diễn, thúc đẩy
tốc độ vở kịch lên đến cao trào (bắt đầu là xúi Ngài Lâm Tế lên hỏi Tổ
ba lần, sau cùng xúi Ngài từ giã Tổ trước khi ra đi). Thiền sư Đại Ngu
quả thật là tri kỷ của Tổ, nhờ Sư nên thâm ý của Tổ mới được tỏ sáng.
Nhưng khi Ngài Lâm Tế bừng ngộ, Sư không lưu lại để giúp mình mà bảo
Ngài về trả ơn Tổ.
Chúng ta thấy, những cách khai tâm và ấn chứng như thế này thật độc
đáo. Thầy nhằm khơi nguồn trực giác phát sinh tri kiến như thật cho trò;
và trò, đến khi ngộ rồi, không bao giờ quên nữa. Thời nay, chúng ta
được nghe lý giải nhiều, nên có kiến thức khá về Thiền. Nhưng càng có
kiến thức, càng chấp vào kiến thức thì càng khó khai ngộ; hoặc có giải
ngộ cũng chỉ lờ mờ hoặc lóe sáng rồi tắt như ánh chớp trong đêm đen. Tuy
nhiên, trong thời đại khoa học, mọi việc đều phải được phân tích, chứng
minh cụ thể. Nếu các Thiền sư đời nay dùng những ngôn từ quanh co khó
hiểu hoặc những hành động kỳ quặc lạ đời, thì không thuyết phục được ai
mà càng làm môn đệ hiểu lầm, sanh chướng ngại trên đường tu. Do đó,
trong tinh thần tùy duyên mà bất biến, bất biến nhưng tùy duyên, các
Ngài phải sử dụng nhiều phương tiện thích hợp để nhiếp phục người, giúp
người tiến đạo nghiêm thân. Thiền tông nhờ thế, dù trải qua mấy ngàn năm
lịch sử vẫn luôn hiện sinh, luôn sống động trong ý nghĩa khế lý, khế cơ
và khế thời.
Một điều rất quan trọng mà chúng ta cần lưu ý: Những gì chúng ta đã
tiếp thu được, dù là những vấn đề cốt lõi của Thiền tông, đều chỉ được
truyền trao từ người khác chứ chưa phải của báu trong nhà. Muốn hoàn
toàn thể nhập tâm Thiền và từ tâm ấy lưu xuất nhiêu ích quần sanh, chúng
ta phải tự mình dấn thân, tự mình khai phá vào cõi miền sâu thẳm của
tâm thức. Ngay khi chúng ta đã hòa mình trọn vẹn vào hoàn cảnh của các
vị được Thiện tri thức chỉ dạy, đã kể trong những câu chuyện trên, và
tâm chúng ta đã có cuộc tao phùng kỳ thú với tâm của các Ngài, chúng ta
cũng phải nhớ kỹ rằng: Nhận ra tánh nghe, Tánh thấy hay Tánh biết vọng, đó mới chỉ là mặt trăng thứ hai!
Vậy mặt trăng thật ở đâu?
Chúng ta hãy cùng tĩnh tâm, lắng lòng xem thử. Nếu chưa nhận ra mặt
trăng thật, thôi thì nên tiếp tục đọc chương cuối cùng của quyển sách
này, chương “Tâm Thiền”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét