Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Thế nào không phải là thiền?

Những ngộ nhận ý nghiã về chữ thiền
 
Thế nào không phải là thiền?
 
Đức Phật đã cho chúng ta một định nghĩa rất rõ ràng « Thế nào là Thiền » trong bài
kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthana sutta). Chúng ta hãy nghe : « Ở đây nầy các tỳ kheo, vị tỳ
kheo đi đến khu rừng, dưới một cội cây hay đi đến chỗ nhà trống và ngồi kiết già lưng thẳng,
vị tỳ kheo an trú trong nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm và quán thân trên thân, quán thọ trên
các cảm thọ, quán tâm trên tâm, quán Pháp trên Pháp. »
Trong bài kinh Đức Phật có giải thích thế nào là thân, thọ, tâm, pháp và nhấn mạnh
nhiều lần « Vị tỳ kheo khi ấy an trú trong nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham
ưu ở đời. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời.
Trong định nghĩa trên chúng ta thấy có 5 điều :
1- Khung cảnh yên tịnh: khu rừng, cội cây, nhà trống.
2- Những yếu tố nội tâm rất quan trọng:
- nhiệt tâm (cố gắng)
- tỉnh giác (sáng suốt)
- chánh niệm (chú tâm)
3- Những đối tượng để chú tâm : thân, thọ, tâm, pháp.
4- Mục đích để giải trừ phiền não : chế ngự tham ưu ở đời.
5- Đem áp dụng vào cuộc sống hằng ngày để giải hoá những điều kiện trói buộc tâm :
vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời.
Bây giờ chúng ta xem xét « thế nào không phải là Thiền
1/ SỰ SUY NGHĨ KHÔNG PHẢI LÀ THIỀN
Đối với Tây Phương, chữ MÉDITATION có nghĩa là « suy nghĩ sâu xa về một đối
tượng hay một vấn để ». Định nghĩa nầy không đúng với Thiền định của Phật giáo. Phật giáo
dùng chữ « Bhavana » có nghĩa là « rèn luyện, phát triển tâm » (développement mental).
Người ta phân biệt hai loại :
- rèn luyện tâm vắng lặng, tâm định (samatha)
- rèn luyện trí tuệ tỉnh giác (vipassana).
- Tâm vắng lặng là trạng thái tâm an tịnh, tập trung không lay động và do đó không ô nhiễm.
- Trí tuệ tỉnh giác là sự trực giác xuất hiện đột ngột như một tia sáng phát hiện bản chất thật
sự của mọi hiện tượng trong thân và tâm giống như nhà vật lý học Newton khám phá ra Định
luật Hấp dẫn Vũ trụ; nó tiêu diệt bóng tối vô minh và làm bừng sáng sự hiểu biết.
Thiền không phải là sự suy nghĩ vì sự suy nghĩ đưa tới phân biệt, so sánh, phê phán và
làm mệt mõi hao tổn năng lượng trong khi thiền đưa tới sự yên nghỉ hồi sinh.
2/ THIỀN KHÔNG PHẢI LÀ LÀM THƯ GIẢN
Trong khỏang thập niên 60 Bác sĩ Herbert BENSON nghiên cứu trong phòng thí
nghiệm của đại học Harvard về hiện tượng thư giản. Ông khám phá ra rằng tất cả những kỷ
thuật thư giản đều có một điểm chung là làm khởi động trong cơ thể một loạt những thay đổi
có tính chất ít nhiều khuôn mẫu ngược hẳn hoàn toàn với phản ứng STRESS mà giáo sư
CANNON đã khám phá 50 năm trứơc đó. Ông gọi đó là Hiệu ứng thư giản gồm có 4 đặc
tính :
- khung cảnh yên tịnh.
- bắp thịt giản lỏng
- thái độ buông xả (a let it happen attitude).
- trạng thái tâm ít nhiều tập trung (định tâm).
Đến thập niên 80 bác sĩ BENSON tiến hành công trình nghiên cứu khoa học về thiền
định trên các nhà sư Tây Tạng đã có nhiều công phu thiền. Ông phát hiện ra là thiền đưa đến
hiện tượng thư giản một cách chắc chắn. Nhưng đồng thời ông cũng khám phá ra rằng có sự
khác biệt giữa THIỀN và THƯ GIẢN mà ông không giải thich được với các « khuôn mẫu »
thư giản của ông, nhất là những hiệu quả của thiền trên trạng thái sức khoẻ con người.
Chẳng hạn sự biến đổi sinh học hay những thay đổi trạng thái tâm.
Những thiền gia chịu đựng những xúc động kích ứng (stress émotionnel) giỏi hơn
những người thư giản thường.
Những thiền gia phản ứng hiệu quả hơn để điều hoà nhịp đập tim, để trở về sóng não
alpha (là loại sóng phát ra khi não trạng an tỉnh), để hoá giải những tư tưởng lo sợ mỗi khi bị
kích động bất ngờ.
Như vậy kiểu mẫu của BENSON không giải thích được chiều kích tâm linh của kinh
nghiệm thiền tập mà tôi nghĩ rằng nó thiếu vắng những yếu tố sau đây :
1 - sự dấn thân tâm linh, với mục tiêu thanh lọc tâm.
2 – lòng tin tưởng nơi sự giải thoát cuối cùng khỏi khổ đau.
3 - kỹ thuật đầu tiên phối hợp một cách tích cực, cố gắng, chánh niệm, tỉnh giác.
4 - kỹ thuật lâu dài làm quân bình giữa 5 yếu tố : tín, tấn, niệm, định, tuệ.
3/ MƠ MỘNG TƯỠNG TƯỢNG KHÔNG PHẢI LÀ THIỀN
Chúng ta có thể mơ mộng trong lúc ngủ cũng như trong lúc thức. Trong lúc ngủ thì
giấc mơ thường xãy ra trong giai đoạn giấc ngủ ngược đảo (sommeil paradoxal), nhưng nó
cũng có thể xãy ra trong bất cứ giai đoạn nào của giấc ngủ..
Đã thiền thì không ngủ, đã ngủ thì không thiền.
Người ta có thể buồn ngủ hay thiếp đi trong khi thiền. Đó là một trở ngại không nhỏ
của thiền vì nó làm chúng ta quên mất đối tượng, lạc lối chú tâm, mất sự hay biết lẫn bên
trong.
Trong khi thức, mơ mộng làm chúng ta trở gót về quá khứ hoặc lạc bước vào tương lai
và đánh mất hiện tại.
Tưởng tượng là một chức năng quan trọng của tâm, một yếu tố trong 5 uẩn (tưởng
uẩn). Không có tưởng chúng ta không thể hồi nhớ, hình dung, diễn dịch một hình ảnh, âm
thanh, mùi vị…
Một vài trường phái thiền Tây Tạng dùng tưởng tượng làm phương tiện để thực hành
những phương pháp thiền của họ (visualisation). Nhưng dù hồi tưởng hay tưởng tượng, tất cả
đều là vọng tưởng đối với thiền tông hay đối với Thiền Vipassana vì nó không cho phép
chúng ta quan sát thực tại.
4/ THIỀN KHÔNG PHẢI LÀ RỦ SẠCH ĐẦU ÓC
(MÉDITER n’est pas « faire le vide dans sa tête »
Ý nghĩ cho rằng thiền là để « rủ sạch đầu óc » là một ngộ nhận thường thấy trong thế
giới tây phương. Làm sao có thể rủ sạch đầu óc được khi tâm thức con người là một dòng trôi
chảy của những đợt sóng liên tục. Những đợt sóng sẽ xuất hiện khi có một đối tượng xuất
hiện trước 6 cửa ngỏ của tâm, cho dù không có một đối tượng nào đi nữa thì tâm sẽ tự tạo cho
mình 1 đối tượng hoặc nó quay vào những đối tượng sâu thẳm của dòng tiềm thức.
Làm sao có thể rủ sạch được sóng của đại dương, đại dương luân hồi. Trừ phi chúng ta
chứng đắc Niết Bàn.
Với ý nghĩ rủ sạch đầu óc, chúng ta dễ thất vọng, dễ chán nản khi khám phả ra tâm
mình như con khỉ, con ngựa. Thiền định không cốt để trói cột con vật, mà cốt để quan sát sự
chạy nhảy của nó như thế nào thôi.
5/ THIỀN KHÔNG PHẢI LÀ « TỰ KỶ ÁM THỊ »
Tự kỷ ám thị là 1 kỹ thuật tâm lý phát minh bởi nhà tâm lý học và dược sỹ Pháp Emile
Coué (1857-1926), nên còn được gọi là phương pháp Coué nhằm gieo trong đầu người thực
hành nó 1 ý tưởng tích cực lành mạnh để chửa trị hoặc phòng ngừa bệnh tật hoặc cải thiện
tình trạng tâm sinh lý người bệnh.
Mỗi ngày người bệnh phải lập đi, lập lại, sáng chiều hai lần, mỗi lần 5-10 phút câu nói
sau đây : « mỗi ngày tôi trở nên khoẻ mạnh, trong mọi khía cạnh ».
Phương pháp nầy chỉ đem lại sự an tâm nào đó, nó đã được chứng minh là vô hiệu quả
bởi giáo sư tâm lý học Joanne Wood, đại học Waterloo (Canada), đối với những người có mặc
cảm tự ty, những người đáng lẽ phải cần nhiều đến những tư tưởng tích cực. Nhưng vì cái
mầm tiêu cực, mầm bệnh, đã bám rễ sâu xa vào thân tâm của người bệnh, nên những ám thị
tích cực chỉ xoa dịu ngoài mặt, không hiệu quả gì cả.
6/ TỤNG KINH KHÔNG PHẢI LÀ THIỀN
Sự tụng kinh nếu được thực hành một cách chú tâm trên ý nghĩa của câu kinh hoặc
trên âm thanh của lời tụng, có thể đem lại một sự an tịnh nào đó, nhưng khó đưa đến sự định
tâm như trong thiền. Vì lời kinh thay đổi từ ý tưỡng nầy đến ý tưỡng khác, từ những âm thanh
trầm bổng khác nhau.
Muốn đi đến sự định tâm, tâm chỉ phải hướng về tập trung trên một đối tượng thôi.
Điều nầy có thể xãy ra khi niệm một danh hiệu Phật với tất cả lòng thành và hiểu biết
rõ ràng về 10 ân đức của Phật. Đến như vậy cũng chỉ có khả năng dẫn đến CẬN ĐỊNH mà
thôi (Tìm hiểu pháp môn niệm Phật, TK Hộ Pháp, NXB TP HCM, 2001)
Không có 1 nghiên cứu khoa học nào chứng minh lợi ích của sự tụng kinh cho người
tụng, nhưng có 1 nghiên cứu chứng minh là sự tụng kinh không có ảnh hưởng gì cả đến người
được tụng cho.
Trong bài kinh AsibandhaKaputta Sutta (Samyuth Nikaya, SN 42.6) Đức Phật đã
giảng cho ông xã trưởng ở Natanda rằng : « sự tụng kinh không đem lại lợi ích nào cả cho
người không có giữ giới ».
Sau khi đã xét qua những ngộ nhận về thiền, chúng ta phải cẩn thận trước khi bước
vào con đường thiền tập. Trước hết phải tìm thầy, một vị thầy có đức độ, giàu lòng từ bị, có
pháp học và pháp hành, có thêm pháp thành thì càng tốt, nếu không thì có nhiều kinh nghiệm
trong pháp hành, có thể giải toả những thắc mắc, những trở ngại và biết trình độ tâm linh
người đề tử tới đâu.
Thật ra tìm được một vị thầy như vậy không phải dễ. Có người đã phải lội đèo, vượt
núi cả đời. Nhưng liệu khi chúng ta đứng trước mặt vị ấy, chúng ta có đủ thông minh để nhìn
thấy và sẵn sàng để tiếp nhận những lời chỉ dạy vàng ngọc của ngài ?

KẾT LUẬN
Sau khi đã xét qua những ngộ nhận về thiền, chúng ta phải cẩn thận trước khi bước
vào con đường thiền tập. Trước hết phải tìm thầy, một vị thầy có đức độ, giàu lòng từ bi, có
pháp học và pháp hành, có thêm pháp thành thì càng tốt, nếu không thì phải có nhiều kinh
nghiệm trong pháp hành, có thể giải toả những thắc mắc , những trở ngại và biết trình độ tâm
linh người đệ tử tới đâu.
Thật ra tìm được một vị thầy như vậy không phải dễ. Có người đã phải lội đèo, vượt
núi cả đời, có người đã phải hy sinh nguyên cả cánh tay ( ngài Huệ Khả ). Nhưng liệu khi
chúng ta đứng trước mặt vị ấy, chúng ta có đủ thông minh và duyên phước để nhìn thấy và
sẵn sàng để tiếp nhận lời chỉ dạy vàng ngọc của ngài?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét